MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm 11 giờ 39 phút ngày 10.12.2023, Hà Nội xếp thứ 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trên ứng dụng AirVisual. Ảnh chụp màn hình

Ô nhiễm không khí đến mức báo động ở các tỉnh Bắc Bộ

Minh Hà LDO | 11/12/2023 08:33

Những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh Bắc Bộ nói chung và Hà Nội nói riêng. Các chuyên gia y tế cho rằng, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra một số bệnh về đường hô hấp, tim mạch. Người tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian dài có thể mắc ung thư, đột quỵ.

Những tác nhân gây ô nhiễm không khí

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), lúc 11 giờ ngày 10.12.2023, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) ở nhiều khu vực tại Thành phố Hà Nội đang dao động ở mức trên 150 đơn vị, là mức độ gây hại cho sức khỏe, nằm trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Lý giải các nguyên nhân khiến không khí ngày càng ô nhiễm, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, nguyên nhân là từ chính các hoạt động của con người. Bên cạnh đó, có một phần tác động của thời tiết.

Theo ông Tùng, hiện nay, ở trong và ngoài TP Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận có nhiều cơ sở tái chế... không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, các phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Đặc biệt, tại Hà Nội hiện có khoảng gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... đó là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm từ các công trình xây dựng; tình trạng đốt rác cũng xảy ra rất nhiều.

Nguy cơ mắc ung thư từ ô nhiễm không khí

Anh Trần Văn Tuấn (40 tuổi, quê ở Hà Nam), chạy xe ôm công nghệ chia sẻ: “Mỗi ngày tôi ở ngoài đường 12 tiếng đồng hồ. Mặc dù đã đeo hai lớp khẩu trang nhưng về nhà là mũi ngạt, mắt bám đầy bụi. Buổi tối, tôi phải rửa mũi và nhỏ mắt bằng nước muối để làm sạch”.

Đeo khẩu trang đã trở thành thói quen của ông Trần Văn Học (79 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi tập thể dục trong suốt hai tuần qua. Ông Học cho biết, thời tiết trở lạnh cộng với ô nhiễm không khí đã khiến cơ thể của ông trở nên mệt mỏi, đau nhức, khó thở.

Theo TS. Lỗ Văn Tùng - Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng và môi trường, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp và tim mạch, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính, trẻ em và phụ nữ mang thai.

“Nếu tiếp xúc nặng hơn có thể gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phế quản, viêm phổi… thậm chí là ung thư phổi” - ông Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tùng, đối với những người mắc bệnh lý về tim mạch, khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm bệnh trầm trọng hơn, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

“Thời điểm này, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường. Nếu phải ra đường thì nên sử dụng khẩu trang loại chống được bụi mịn PM 2.5. Sau khi tham gia giao thông về nhà phải rửa mắt, rửa mũi sạch sẽ. Với những trường hợp có các dấu hiệu mắc bệnh lý về đường hô hấp cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị” - TS. Lỗ Văn Tùng khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn