MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam đang đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng trong quá trình phát triển. Ảnh: LX

Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam đang ở mức báo động

Hữu Long LDO | 11/12/2021 12:33

Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam đang ở mức báo động là một trong những vấn đề được đặt ra tại diễn đàn “Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ V - năm 2021” tổ chức tại Khánh Hòa, sáng 11.12.

Từ những vấn đề trong thực tế diễn ra là cơ hội để nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân cùng tìm ra giải pháp trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương - đánh giá, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần được tuyên truyền sâu sắc, toàn diện hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài phát biểu tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Lam

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, thời gian qua báo chí, truyền thông không chỉ phản ánh thực trạng và tác hại của ô nhiễm môi trường biển mà cần phân tích thấu đáo nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, từ đó chuyển tải thông điệp về ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và mỗi người dân cần tự giác, chủ động, hành động khắc phục tình trạng đó

Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu đưa ra những câu chuyện đáng suy ngẫm về bảo vệ môi trường tại nước ta. Theo đó, Việt Nam đang là một quốc gia chịu nhiễm ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa và chất thải rắn sinh hoạt. Nguồn tài nguyên đang bị khai thác thiếu khoa học, đe dọa nguồn cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động, gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Xuân Lam

Sự ô nhiễm tập trung ở một số nguyên nhân, như sử dụng chất nổ, dùng điện, chất độc để đánh bắt thủy hải sản khiến các loài sinh vật chết hàng loạt. Các vùng nước lợ, rừng ngập mặn ven biển và các hệ rạn san hô không được bảo tồn tốt dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái dưới biển và làm mất đi môi trường sống của một số loài lưỡng cư. Chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp chưa được xử lý từ các khu đô thị hay các nhà máy sản xuất công nghiệp đổ ra sông, chảy ra biển. Việc vứt rác thải bừa bãi, thiếu văn hóa từ hoạt động du lịch.

Từ những vấn đề đặt ra, các đại biểu đánh giá việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cần phải được thực hiện thường xuyên, có hệ thống, linh hoạt, sáng tạo hơn để kiến thức pháp luật, chính sách đến được với những đối tượng quan trọng, đặc thù.

Ông Hà Quốc Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - đánh giá, diễn đàn là dịp để các nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, ý kiến và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biển đảo, thúc đẩy sự hợp tác nghề nghiệp, chuyên môn giữa nhà quản lý, nhà báo với doanh nghiệp, doanh nhân.

Ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho hay, sẽ tiếp thu các ý kiến phản biện và những tham luận của các đại biểu về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông Thành cho biết, sẽ tiếp nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu để tiếp tục điều chỉnh, tham khảo các quy định, chính sách. Tất cả đều vì mục tiêu chung, đó là Việt Nam thịnh vượng, ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn