MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bụi đá bao phủ làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước mỗi khi có xe tải đi qua. Ảnh: Nguyễn Linh

Ô nhiễm nặng ở làng nghề đá mỹ nghệ 500 năm tuổi

Nguyễn Linh LDO | 25/09/2023 08:11

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (tổ 52, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành sơn, TP Đà Nẵng) đã quá tải nhiều năm nay. Vào mùa nắng, bụi đá từ các cơ sở sản xuất bao phủ toàn bộ làng nghề, kèm theo đó là nước thải sản xuất đã gây ô nhiễm nghiêm trọng ở khu vực này.

Ô nhiễm bụi và nước thải

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành hơn 500 năm trước dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Do tình trạng ô nhiễm từ làng nghề ảnh hưởng nghiêm trọng đến Danh thắng nên năm 2011, UBND TP Đà Nẵng quyết định di dời làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đến khu vực tổ 52 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, việc di dời tiếp tục gây ô nhiễm ở khu mới. Vào những ngày nắng, tiếng máy cắt đá, đục đá đinh tai nhức óc kèm thêm lớp bụi đá dày đặc mịt mù.

Ông Nguyễn Lợi - chủ một cơ sở sản xuất tại làng đá mỹ nghệ Non Nước - cho biết, những người làm nghề thì không tránh được, nhưng ảnh hưởng nhất vẫn là người dân sống xung quanh”.

Hiện nay, mỗi cơ sở sản xuất tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được bố trí khoảng 100m2 để làm nhà xưởng và gia công sản xuất. Tuy nhiên hầu hết các xưởng đều phải tập kết đá và gia công, chế tác ngay trên vỉa hè.

Một số xưởng có diện tích nhỏ hẹp còn lấn chiếm cả lòng đường làm nơi sản xuất. Mỗi công đoạn cắt, mài, điêu khắc, vận chuyển sẽ gây ra lớp bụi đá dày đặc trên mặt đường.
Mỗi ngày, trung bình một cơ sở sản xuất thải ra gần 10m3 nước thải, nước thải chảy tràn xuống đường kèm theo bột đá và hóa chất khiến các đoạn đường trong làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo bà Lê Thị Hòa Bình - chủ một cơ sở tại làng đá mỹ nghệ Non Nước - mỗi ngày bột đá và nước thải thải ra rất nhiều. Vì vậy các hộ dân rất mong cơ quan chức năng có biện pháp thích hợp để chấm dứt ô nhiễm tại làng nghề.

Di dời các cơ sở ô nhiễm đến khu công nghiệp

Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay có diện tích hơn 35ha. Trong đó, đất bố trí cho sản xuất đá mỹ nghệ giai đoạn 1 là 7,46ha (chia làm 574 lô), đất bãi chứa đá nguyên liệu là 6,68ha. Còn lại là đất vành đai cây xanh cách ly, trạm xử lý nước thải, đất giao thông và một số hạng mục đất khác.

Theo ước tính, lượng đá thô sử dụng đưa vào sản xuất cho toàn bộ các cơ sở theo quy hoạch khoảng 400 tấn/ngày. Hiện làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có 385 cơ sở sản xuất được bố trí đất hoạt động.

Theo ông Lưu Vạn Tâm Anh - Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước - hiện trong làng nghề, vấn đề chưa xử lý được chính là bụi. Các cơ sở sản xuất trống ở bốn hướng nên không thể dùng công nghệ để thu gom bụi đá một cách triệt để. Vì vậy hiện nay có đến 90% các công đoạn là dùng nước để hạn chế bụi ở mức thấp nhất.

“Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cũng đã hợp đồng với các đơn vị thu gom vụn đá về điểm tập kết để xử lý. 100% nước thải cũng thu gom về trạm xử lý nước thải, nơi có trạm quan trắc tự động của Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Hiện nước thải qua trạm quan trắc luôn đảm bảo 100% chất lượng theo quy định” - ông Lưu Vạn Tâm Anh cho biết.

Hiện tại, làng nghề có khoảng 20% cơ sở có khả năng ô nhiễm lớn nhất và sử dụng nước nhiều nhất. Vì vậy theo đề án của UBND quận Ngũ Hành Sơn, chậm nhất đến năm 2026 sẽ di dời các cơ sở này lên khu công nghiệp Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Theo Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, khi các cơ sở bị ô nhiễm nặng được di dời thì Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cũng sẽ phối hợp với Ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn thu hút các đoàn khách du lịch vào làng nghề để tham quan và tham gia vào một số công đoạn sản xuất nhỏ, từ đó giúp phát triển du lịch tại làng nghề hơn 500 năm tuổi này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn