MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang đang xây dựng. Ảnh: PV

"Om hàng", bán chênh giá nhà ở xã hội: Chưa có "thuốc" điều trị dứt điểm

Nhóm PV LDO | 25/08/2022 17:12

Việc bán nhà ở xã hội thu thêm tiền chênh, ngoài giá đã được Nhà nước phê duyệt như tại dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ luỵ cho người dân, chủ đầu tư và cả chính quyền địa phương, nhưng chưa có "thuốc" điều trị dứt điểm.

Buộc thu hồi nhà, hoàn trả tiền chênh

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng, để sở hữu một căn hộ tại dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (hay còn gọi là Evergreen Bắc Giang), người mua nhà có thể phải trả thêm 30 triệu tiền chênh ngoài hợp đồng cho những nhà đầu tư đã "ôm hàng" trước đó, hoặc 10 - 20 triệu đồng cho chủ đầu tư (thu qua các sàn giao dịch bất động sản). Số tiền này không được đưa vào hợp đồng và xuất hoá đơn theo quy định, chỉ là khoản "thu ngoài".

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc bán nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư và chính quyền địa phương không có sự kiểm soát chặt chẽ về đối tượng được mua, giá bán, phương thức bán ngay từ ban đầu như tại dự án Evergreen Bắc Giang sẽ gây ra nhiều hệ luỵ sau này cho người dân, chủ đầu tư và cả chính quyền địa phương.

Như tại 3 dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh là: Môi trường xanh, Cao Nguyên 3 (TP.Từ Sơn) và Dabaco Khắc Niệm (TP.Bắc Ninh) mà Báo Lao Động đã từng phản ánh.

Tại 3 dự án này, người dân đều mua nhà ở xã hội thông qua các sàn giao dịch bất động sản. Tuy vậy, các sàn này chỉ quan tâm lợi nhuận mà không quan tâm đến các quy định, chính sách về nhà ở xã hội dẫn đến tình trạng gần 100 căn hộ đã giao dịch không đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội hoặc không được báo cáo về Sở Xây dựng địa phương để được thẩm định điều kiện.

Người dân cũng phải nộp hàng trăm triệu đồng tiền chênh/căn hộ, so với giá phê duyệt của Sở Xây dựng cho các sàn giao dịch. Một số sàn giao dịch cho biết, khoản thu ngoài này là "thu hộ cho chủ đầu tư".

Các sàn giao dịch bất động sản tại dự án Evergreen Bắc Giang. Ảnh: PV.

Tỉnh Bắc Ninh hiện đã ra quyết định thu hồi gần 100 căn hộ trên, xử phạt hành chính các chủ đầu tư. Tuy vậy, việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn khi hầu hết người dân đã chuyển về căn hộ ở lâu dài, sửa sang, mua thêm nội thất tốn kém thêm hàng trăm triệu đồng. 

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, nhiều người dân có nhà ở xã hội thuộc diện bị thu hồi ở trên cho biết, khi xuống tiền mua nhà, nhân viên các sàn giao dịch luôn cam kết là dự án đầy đủ pháp lý nên yên tâm. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra, người dân mới biết mình không đủ điều kiện. Bỏ ra cả tỉ đồng giờ lại không có nhà để ở khiến nhiều người bức xúc, yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả các khoản tiền đã thu thì mới trả lại nhà.

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), ngoài các hệ luỵ trên, với việc chủ đầu tư có chủ trương thu tiền chênh lên tới vài chục triệu đồng/căn hộ thì Cục Thuế địa phương cũng cần rà soát để tránh thất thu thuế trong các giao dịch, mua bán tại dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang.

Giải pháp nào để nhà ở xã hội đến tay công nhân?

Theo đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định đối tượng được mua (thuê), giá bán, giá cho thuê.

Quy định chủ đầu tư phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân cũng là một vướng mắc. "Nếu một doanh nghiệp giải quyết nhà ở cho khoảng 20.000 công nhân, phải ký tới 20.000 hợp đồng, rất vất vả"- Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái bày tỏ tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và công nhân hồi tháng 6.2022.

Tuy vậy, trong thời gian chờ đợi Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các quy định, nếu chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc này bằng cách liên kết với các sàn giao dịch bất động sản, nhưng không có sự kiểm soát chặt chẽ, những hệ luỵ là khó tránh khỏi.

Các chủ đầu tư nhà ở xã hội hoàn toàn có thể liên kết với các sàn giao dịch bất động sản để bán hàng, nhưng phải có mức trần về phí môi giới, vài triệu đồng/căn hộ thay vì hàng chục triệu đồng như hiện nay. Ảnh: PV

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Sở Xây dựng một địa phương phân tích, đối với các dự án nhà ở thương mại thì chi phí quảng cáo, bán hàng sẽ ở mức khoảng vài % trong cơ cấu giá bán, tuy nhiên trong thẩm định của cơ quan chức năng về giá bán nhà ở xã hội, không có chi phí về quảng cáo nào. Do vậy, đa phần các chủ đầu tư nhà ở xã hội vẫn phải trực tiếp bán hàng.

Theo vị lãnh đạo Sở Xây dựng, các chủ đầu tư vẫn có thể có thể thông qua các sàn giao dịch để bán hàng nhưng phải đảm bảo 2 điều kiện: Thứ nhất phải đảm bảo đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội và thứ 2 giá bán phải đúng theo giá Nhà nước đã phê duyệt.

Còn phần chi phí môi giới, cần có một mức sàn là khoảng vài triệu đồng/căn hộ thay vì hàng chục triệu như hiện nay. Số tiền này do chủ đầu tư chi trả cho các sàn thay vì nhờ các sàn thu từ người dân và không kiểm soát mức thu.

"Việc liên kết này không quá khó khăn và trên thực tế cũng đã có nhiều chủ đầu tư thực hiện tốt", vị lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin thêm. 

Cùng trao đổi vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong trường hợp người dân mua nhà ở xã hội bị thu các khoản phí ngoài giá Nhà nước đã được phê duyệt thì cần đến Sở Xây dựng các địa phương để được hỗ trợ.

"Việc mua bán nhà ở xã hội không thể để các chủ đầu tư và các sàn tự quyết với nhau mà chính quyền địa phương phải giữ vai trò quyết định lớn nhất”, ông Đặng Hùng Võ nói.

This browser does not support the video element.

Nhân viên môi giới dự án Evergreen Bắc Giang nói về khoản tiền chênh hàng chục triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn