MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con đường xuyên núi độc nhất vô nhị ở Tây Bắc là đường mưu sinh hằng ngày của hơn 70 hộ dân của 2 xã Thôm Mòn và Tông Lạnh huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quốc Định

Ớn lạnh con đường mưu sinh độc nhất vô nhị ở Tây Bắc

Khánh Linh LDO | 06/05/2022 10:33

Sơn La - Con đường xuyên núi ở huyện Thuận Châu nằm giữa vách núi đá dựng đứng, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Thế nhưng đây lại là con đường mưu sinh hằng ngày của hàng chục hộ dân.

Thăm thẳm con đường mưu sinh

Trong chuyến đi về huyện miền núi Thuận Châu, tỉnh Sơn La, PV Báo Lao Động đã có dịp ghé thăm hang Thẳm Luông, con đường mưu sinh độc nhất vô nhị ở tỉnh miền núi Sơn La. 

Đứng từ vệ đường Quốc lộ 6 nhìn lên là một ngọn núi đá sừng sững cao ngút. Giữa vách đá xuất hiện một chiếc hang sâu hun hút đến lạnh người. Thoạt nhìn tưởng đó chỉ là chiếc hang đơn thuần của tạo hoá, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn được biết, đây là con đường nhỏ xuyên qua lòng núi. 

Mỗi ngày, hàng chục hộ dân sống trong thung lũng phía sau phải men theo con đường nhỏ này để chật vật với cuộc sống mưu sinh dẫu mưa hay nắng. 

 Từ Quốc lộ 6 nhìn lên, giữa vách núi xuất hiện một  hang sâu hun hút đến lạnh người

Theo chân một vài người dân bản, men theo lối mòn nhỏ từ chân núi đến cửa hang, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý khá kỹ nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh. 

Càng đi sâu vào trong lòng hang, cảm giác lành lạnh càng thấy rõ. Ánh đèn xe máy sáng là thế nhưng vào trong chỉ mập mờ, lập loè như con đom đóm. Nếu không phải đang ngồi trên xe của một tay lái lụa nhất nhì bản Thẳm, có lẽ tim đã nhảy khỏi lồng ngực lúc nào không hay. 

Càng vào sâu hơn, những ổ voi, ổ gà và khúc cua trong hang khiến bánh xe nảy lập bập như đâm vào vách đá. Âm thanh phát ra từ chiếc xe máy hoà tiếng gió thổi qua hang càng làm cho người đi đường cảm giác như đang lạc vào chốn thâm sơn cùng cốc chứ không phải đi trên một con đường.

Vất vả là thế, nhưng đối với người dân nơi đây, đi qua núi đã thành chuyện cơm bữa bởi đó là con đường duy nhất nối hàng chục hộ phía bên kia thung lũng với thế giới bên ngoài. 

 Con đường xuyên qua hang là đường đất với nhiều đoạn dốc, cua nguy hiểm

Theo người dân kể, hang Thẳm Luông vốn là sản phẩm tạo hóa của tự nhiên, nhìn từ xa hang đá trông như một cái hầm chui nằm giữa lưng chừng núi. Năm 1964, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hang được bộ đội Việt Nam cải tạo, phá đá mở đường dẫn lên, từ đó hang trở thành nơi cất giấu vũ khí bí mật của quân đội ta.

Năm 1966, hang đá được đục thông thành con đường mòn nhỏ xuyên qua núi, dài hơn 500m. Cửa hang rộng vừa đủ cho một chiếc ô nhỏ trọng tải từ 1,5 - 2 tấn đi qua.

Mong mỏi một con đường

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lò Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh cho biết: Phía sau dãy núi là hơn 70 hộ dân của bản Chùn (xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu) và 2 bản Thẳm và Cuông Mường (xã Tông Lạnh) đang sinh sống. 

Theo ông Sâm, con đường xuyên qua núi là đường độc đạo, nối bản Chùn với thế giới bên ngoài. Con em bản Chùn ra học tại các trường trên địa bàn xã Tông Lạnh bởi từ bản Chùn muốn sang trung tâm xã Thôm Mòn phải đi qua con đường đất, chỉ có người đi bộ và ngựa có thể đi qua. 

Con đường qua hang ẩn chứa nhiều hiểm nguy, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên người dân buộc vẫn phải đi qua hằng ngày

“Đường lên hang Thẳm Luông vừa dốc, vừa nhiều đá lởm chởm rất khó đi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người dân.

Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn lo nhất là việc đi lại của các cháu học sinh. Vào mùa mưa đường trở nên lầy lội, trơn trượt, học sinh phải nghỉ học thường xuyên vì không thể đến lớp” - ông Sâm cho biết thêm.

Đại diện lãnh đạo xã Thôm Mòn cũng cho biết: "Đường đi lại khó khăn khiến cuộc sống người dân muôn phần vất vả, nông sản làm ra cũng bị tư thương ép giá, thậm chí họ còn không dám vào mua".

Theo vị lãnh đạo, câu chuyện người ốm nặng muốn đưa đi cấp cứu phải khiêng tưởng chừng chỉ còn trong ký ức của một thời gian khó nhưng vẫn đang hiện hữu giữa cuộc sống hiện đại khi đường đi lại nơi đây quá khó khăn. 

Người dân đã quen mỗi khi xuống chợ hay có việc ra trung tâm xã, việc đầu tiên là cầm theo đèn pin hoặc dắt theo cái đóm, bó đuốc hoặc bật lửa bên người để thắp sáng soi lối đi trong hang.

Dù đi bộ hay đi xe máy vẫn phải dắt đèn pin theo bên người phòng thân, tránh trường hợp xe hỏng giữa đường, vì sâu trong hang trời tối mịt không thể định hướng được đường đi.

  Người dân nơi đây vẫn mong mỏi một con đường đúng nghĩa để an tâm đi lại, làm ăn, phát triển sản xuất

Tính theo đường chim bay, bản Chùn chỉ cách QL6 chừng 3km và đường bộ khoảng 4km, thế nhưng bản Chùn vẫn thuộc diện bản đặc biệt khó khăn của xã Thôm Mòn. Người dân nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc Thái, có tới quá nửa trong số đó là  hộ nghèo, cận nghèo, còn lại cũng trong diện khó khăn. Nguyên nhân tất cả cũng chỉ vì đường đi lại vào bản quá gian nan, vất vả.

Giờ đây, điều mong mỏi lớn nhất của bà con là có một con đường đi lại thuận lợi để giao thương hàng hoá được thuận lợi, đường đến trường tìm cái chữ của con trẻ đỡ vất vả và con đường mưu sinh của bà con cũng vơi đi phần gian nan. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn