MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở nghiêm trọng trên Tỉnh lộ 677, tỉnh Kon Tum. Ảnh H.H

Ớn lạnh qua những cung đường bị sạt lở sau bão số 8

THANH TUẤN LDO | 19/10/2021 10:52

Bão số 8 gây mưa lớn, chỉ trong vòng 2 ngày, hàng loạt tuyến đường ở tỉnh Kon Tum đã bị sạt lở nghiêm trọng. Cánh tài xế xe tải ớn lạnh khi di chuyển qua những cung đường sạt lở, lo sợ cảnh núi lở đá vùi.  

Mặc dù cơn bão số 8 không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Tây Nguyên nhưng lượng mưa lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Kon Tum, đặc biệt khu vực giáp với địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Sở GTVT Kon Tum khởi thông đường cho xe qua lại sau bão. Ảnh H.H

Anh Nguyễn Văn Thìn – tài xế xe tải tuyến Gia Lai – TP. Đà Nẵng cho biết, sau bão sạt lở, đá rơi xuống đường nhiều nơi. Xe tải chở nông sản của anh từ đèo Lò Xo, một trong những đường đèo dài và hiểm trở nhất Tây Nguyên phải quay trở lại dừng trú tại huyện Ngọc Hồi để chờ lực lượng chức năng thông đường.

“Xe đi một bên đường, bên kia núi chực chờ sạt lở, hàng trăm khối đất đá treo lơ lửng, tài xế ai cũng lo sợ. Nếu bất ngờ núi đất đổ xuống thì chạy thoát không kịp. Năm ngoái, thiên tai, sạt lở đất vùi lấp làm chết nhiều người, bây giờ tài xế đi giữa mưa, đường miền núi đoạn giáp ranh với tỉnh Quảng Nam ai cũng lo sợ đất vùi, đá lấp”, anh Thìn nói.

Đường đứt gãy phía taluy âm, rất khó để khắc phục nhanh. Ảnh H.H

Sau cơn bão, hệ thống Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14C, 40, 40B, 24, đường Đông Trường Sơn đều bị sạt lở đất đá, hiện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã cơ bản đảm bảo giao thông. Hệ thống Tỉnh lộ 671, 672, 674, 675, 676, 677, 678, Đường tránh thuỷ điện Pleikroong, Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông Ngọc Linh cũng bị ảnh hưởng do mưa lũ, nước sông suối dâng cao.

Anh Hoàng Long – tài xế xe tải tuyến Tây Nguyên cho biết, thường các tài xế đi đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum về miền Trung nhanh hơn, để tránh phương tiện đông đúc và các trạm thu phí. Tuy nhiên, với tình hình sạt lở, đường hư hại như những ngày qua thì ai cũng ngán ngại.

“Tài xế phải chuyển qua chạy theo Quốc lộ 19 về Bình Định rồi ngược ra các tỉnh phía Bắc, đường dài và tốn kém hơn nhưng cơ bản an toàn”, tài xế Long nói.

Núi đồi “ngậm nước” chực trượt đổ đất, đá vùi lấp đường và người dân lưu thông. Ảnh H.H

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hữu Hùng – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum – cho biết: “Trong và sau cơn bão, đơn vị huy động nhân công, phương tiện khắc phục sự cố, thiệt hại. Đến nay hầu hết các đường đều thông tuyến. Nhưng đáng lo nhất là còn một số vị trí đường bị đứt gãy gần hết, không thể khắc phục xong một sớm một chiều”.

Đường Tỉnh lộ bị mưa bão cuốn trôi, làm đứt gãy nghiêm trọng. Ảnh H.H

Theo ông Hùng, mưa kết hợp với nước lũ cuốn trôi đường, đường bị khoét âm kiểu "hàm ếch”, nên rất khó khắc phục. Sở GTVT đang xin UBND tỉnh Kon Tum kinh phí để sửa chữa, tuy nhiên tỉnh đang gặp khó khăn vì dồn nhiều nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các nhà thầu thi công trong dịch bệnh cũng cạn kiệt nguồn tài chính để tiếp tục nhận dự án.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn