MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Công Minh - Tổng giám đốc Cty CP Việt Hưng bên bàn máy cạnh CN Nguyễn Thị Mộng Tươi. Ảnh Nam Dương

Ông giám đốc tận tâm với người khuyết tật

Nam Dương LDO | 13/10/2019 09:17
Hơn 10 năm qua, cứ mỗi lần lĩnh lương, chị Nguyễn Thị Mộng Tươi, (sinh năm 1991), công nhân (CN) Xưởng may 1, Cty CP Việt Hưng, Phường Trung Mỹ Tây,  quận 12, TP Hồ Chí Minh) lại dành từ  2 - 3 triệu đồng gửi về quê (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) phụ cha mẹ nuôi em ăn học, sinh sống. Sẽ là điều bình thường nếu con cái khỏe mạnh đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Nhưng chị Tươi là người khuyết tật, cả hai chân teo lại do di chứng của sốt bại liệt khi nhỏ...

Giúp công nhân khuyết tật tự tin hòa nhập

Chị Tươi kể, sau lần bị sốt, hai chân của chị bị liệt và cứ thế teo tóp dần, chị thấy cuộc đời đầy u ám vì nghĩ mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, trong khi cha mẹ không khá giả. 15 tuổi, chị Tươi được gửi đến học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). “Tôi cứ nghĩ học cho khuây khỏa, chứ mình tàn tật thế này thì làm sao đi làm được. Rồi tôi và các bạn được Cty Việt Hưng nhận vào làm. Lúc đầu, cũng khó khăn lắm, nhất là khi phải làm trong dây chuyền công nghiệp. Nhưng tất cả là nhờ chú Minh (ông Phan Công Minh - Tổng giám đốc Cty CP Việt Hưng - PV) giúp đỡ, nên tôi mới có được như hôm nay”.

Chị Tươi vui vẻ nói chuyện với tôi trong khi vẫn thoăn thoắt hoàn thành công việc của mình. Không chỉ riêng chị Tươi, trong những xưởng may của Cty Việt Hưng còn có nhiều CN khuyết tật cũng có hoàn cảnh tương tự. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (quê huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng bị yếu hai chân do di chứng sốt bại liệt, cho biết, mỗi tháng tiền lương của chị trừ các khoản bảo hiểm cũng còn 6,5 triệu đồng, hơn tiền lương làm công việc bốc xếp của chồng chị.

Theo ông Huỳnh Văn Chơi - Chủ tịch CĐ Cty Việt Hưng - so với tiền lương bình quân của gần 1.000 CN của Cty ở mức 7 triệu đồng/người/tháng, thì tiền lương bình quân của hơn 20 CN khuyết tật cũng chỉ thấp hơn vài trăm nghìn đồng/người/tháng.

Nhớ về cái duyên đưa các CN khuyết tật về Cty Việt Hưng làm, ông Phan Công Minh kể: "Năm 2007, tôi đến thăm cơ sở dạy nghề của Trung tâm Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi và rất xúc động khi thấy các em đang cặm cụi học nghề may. Chạnh lòng, tôi hứa sẽ nhận vài chục em về công ty làm. Khi đưa các em về, định lập một dây chuyền riêng cho dễ chăm sóc thì có ý kiến cho rằng như vậy là phân biệt, nên đành xếp chung vào dây chuyền bình thường. Thế nhưng khi xếp vào chuyền mới thấy hết khó khăn. Máy móc được thiết kế để cho CN bình thường làm việc, giờ đưa các em bị yếu chân vào không biết làm sao đạp môtơ cho máy chạy. Thế là chúng tôi phải cải tiến bàn máy may, chỉnh sửa bộ phận điều khiển chuyển động cho phù hợp với từng em. Chưa hết, chúng tôi phải sửa nhà vệ sinh để các em có thể lăn được xe vào”.

Tìm được “một nửa” của mình

Ở Cty Việt Hưng, có một cặp vợ chồng rất đặc biệt, đó là anh Nguyễn Văn Tiến (31 tuổi, CN xưởng may 3) và chị Vi Thị Bé (26 tuổi, CN xưởng may 1), vì cả hai đều bị câm điếc. Nhờ được nhận vào làm tại Cty Việt Hưng mà  họ quen biết nhau, rồi nên vợ, nên chồng.

Dù bị câm, điếc nhưng may mắn anh Tiến lại biết chữ, vì thế câu chuyện của tôi với anh Tiến kết nối qua những dòng chữ. Nét mặt đầy tươi vui, anh Tiến “kể”, hàng tháng tiền lương của anh được 6 - 7 triệu đồng, còn vợ anh có khi được đến 8 triệu đồng, Công việc dù có vất vả nhưng rất vui. Nhưng vui nhất là anh chị đã có một con trai 4 tuổi và may mắn không bị tật nguyền như anh chị.

Không chỉ riêng anh Tiến, nhiều CN khuyết tật khác của Cty Việt Hưng cũng nhờ có việc làm, không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội nên đã tìm được “một nửa” của mình. Chị Nguyễn Thị Hoạt (quê ở Nghệ An), với bàn tay trái chỉ có 1 ngón duy nhất, cũng phấn khởi khoe: “Nhờ có công việc với thu nhập ổn định hơn 7 triệu đồng, nhiều khi tiền lương của tôi còn nhiều hơn thu nhập của chồng làm tự do ở bên ngoài. Vui nhất là vợ chồng tôi có 2 con trai, con lớn hơn 5 tuổi, con nhỏ 17 tháng và đều khỏe mạnh, lành lặn”. Hay như chị Nguyễn Thị Tuyết Mai giờ cũng đã có gia đình và con trai 7 tuổi, lành lặn. Và còn nhiều CN khuyết tật khác, cũng làm việc tại Cty Việt Hưng và rồi đã tìm được “một nửa” của mình, dù cuộc sống còn những khó khăn, vất vả, nhưng hạnh phúc.

“Lúc mới vào Cty, nhiều em do tâm lý mặc cảm hoặc được gia đình nuông chiều nên chưa bắt nhịp được công việc. Tôi đành đưa các em vào “Tổ công nhân vượt khó” và tình nguyện làm tổ trưởng. Cứ mỗi cuối tuần, tôi họp tổ một lần, vừa động viên, khuyến khích vừa răn nhủ để các em thấu hiểu hoàn cảnh và tự tin hòa nhập. Mỗi tháng tôi lại trích từ tiền lương của mình để thưởng cho những em có năng suất cao. Cứ thế từng bước các em hội nhập được”. (Ông Phan Công Minh, Tổng giám đốc Cty CP Việt Hưng)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn