MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người đi đường chán ngấy với kiểu lấn làn của các tài xế lái xe ô tô.

Ôtô "cướp" hết đường xe máy, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội nói gì?

Theo Infonet LDO | 28/12/2017 20:32

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền, Phòng cũng xây dựng tổ chuyên đề để xử lý các trường hợp vi phạm về làn đường nhưng vấn đề xử lý chỉ là phần ngọn còn vấn đề cốt lõi là công tác tuyên truyền cho ý thức của người dân".

Mới đây, trên các trang mạng xã hội đang xuất hiện nhiều ý kiến bất bình vì vấn nạn "ô tô lấn hết làn xe máy, xe máy không còn đường đi phải "trèo lên vỉa hè" hoặc len lỏi giữa các khoảng trống ôtô.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở một số tuyến phố nhỏ hẹp mà ở hầu hết các tuyên đường chính, lòng đường rộng như: Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng… và không chỉ xảy ra vào giờ cao điểm mà diễn ra trong cả ngày. 

Điều này khiến nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy khá bức xúc. Nhiều trường hợp đã cãi cọ, xô xát, đánh nhau đã xảy ra. 

Xe máy phải lên vỉa hè.

Trao đổi với phóng viên, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT đường sắt – đường bộ - Công an TP Hà Nội cho biết: “Đây là vấn đề xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông ở Hà Nội. 

Nhiều người dân đi theo kiểu "điền vào chỗ trống" hoặc đi theo kiểu con kiến, không theo đường lối nào cả. Người tham gia giao thông cứ thấy chỗ trống là đi vào, bất kể việc mình đi vào đó có ảnh hưởng đến người khác hay không”. 

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta không đảm bảo, vẫn còn quá tải và các phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, vào những thời điểm trước và sau tết thì nhu cầu đi lại, giao thương, mua bán, hội họp gia tăng nên nhiều người nôn nóng. 

Ngoài ra, nhiều người tham gia giao thông chưa có văn hóa nhường nhịn, văn hóa đi đúng làn đường chưa được nêu cao sẽ dẫn tới tình trạng giao thông hỗn độn, nguy cơ xảy ra xung đột giao thông, dẫn tới ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khi mà các phương tiện chuyển làn đường không theo quy định. Đặc biệt, khi xe máy đi vào điểm mù của các phương tiện cỡ lớn có thể dẫn tới tai nạn giao thông gia tăng".

Theo ông Hùng, mặc dù phòng CSGT Hà Nội đã làm nhiều việc tuyên truyền đến người dân nhưng để thay đổi cả một hệ tư tưởng, một hệ ý thức thì cần phụ thuộc vào sự tự giác của mỗi cá nhân tham gia giao thông, chấp hành giao thông. 

Theo thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, phòng CSGT Hà Nội đang phối hợp với Sở GTVT Hà Nội để nghiên cứu những điểm bất cập về tổ chức giao thông để có thể thay đổi từ hệ thống đèn báo, vạch sơn,... 

Bên cạnh đó, trong giải pháp vĩ mô thì phải có kiến nghị về công tác quy hoạch dân cư sao cho hợp lý, tăng cường phát triển hệ thống giao thông công cộng để cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay bằng sử dụng phương tiện cá nhân và tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn