MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

PGĐ Sở VHTTDL Hà Giang: Tục "bắt vợ" của người Mông không còn phổ biến, có dấu hiệu biến tướng

Phong Quang LDO | 09/02/2022 15:26

Hà Giang - Đại điện Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang khẳng định vụ việc "bắt vợ" như trong clip lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua không phải là phổ biến, ở góc độ khác còn mang tính chất biến tướng so với phong tục của người Mông.

Ngày 9.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Tuy nhiên, qua xác minh tìm hiểu thì đây chỉ là một hành động tự phát của một thiếu niên mới lớn, chưa hiểu hết về phong tục tập quán của dân tộc mình.

Theo bà Tình, "bắt vợ" vốn là một phong tục xa xưa và độc đáo của người Mông nhưng đã bị biến tấu đi nhiều theo thời gian. Bên cạnh đó, bản thân giới trẻ người Mông còn chưa có sự hiểu biết đầy đủ về phong tục này nên có những hành động không đúng mực, bột phát.

"Bắt vợ hay kéo vợ là một tục đẹp từ xa xưa của đồng bào dân tộc Mông, thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt của những chàng trai cô gái người Mông để đến với nhau. Việc kéo hay bắt chỉ được diễn ra khi có sự thoả thuận và đồng ý của 2 người từ trước đó.

Sau khi chàng trai đã kéo được cô gái về nhà thì sau một vài ngày, người nhà chàng trai sẽ có lời và mang lễ sang nhà cô gái để xin cưới", bà Tình nói.

Tục bắt vợ của người Mông tại Hà Giang không còn phổ biến, một số nơi có tính trạng biến tướng. Ảnh: T.L

Phó giám đốc Sở VHTTDL cũng khẳng định, tục bắt vợ hiện đã không còn phổ biến tại Hà Giang. Tại một số nơi, một số thời điểm vẫn còn diễn ra nhưng chỉ mang tính chất tự phát do chưa có sự hiểu biết đầy đủ hoặc chưa được giáo dục, truyền dạy.

Vị này thông tin thêm, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang làm rất tốt việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện việc cưới, việc tang và luật hôn nhân gia đình theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, không phải một chốc một lát mà bỏ ngay được bởi đặc thù địa bàn chủ yếu là dân tộc thiểu số.

Ngay trong chiều nay (9.2), Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang sẽ có văn bản gửi tới các địa phương đề nghị thực hiện nghiêm túc việc cưới, việc tang và luật hôn nhân gia đình đặc biệt trong dịp đầu năm, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, phong tục của đồng bào dân tộc.

Trước đó, như Báo Lao Động đã đưa tin (ngày 7.2) trên mạng xã hội đã lan truyền clip được cho là "bắt vợ" xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Khi đó, một nam thiếu niên trẻ đã có hành động kéo, bắt một cô gái dù người này cự tuyệt nhưng vẫn bị lôi đi với mục đích bắt về nhà làm vợ theo phong tục của dân tộc Mông. 

Khi nam sinh này đang chật vật để kéo cô gái đi thì một chiến sĩ công an địa phương đã có mặt kịp thời giải cứu cô gái.

Thông tin nhanh tới PV Báo Lao Động, một lãnh đạo xã Pả Vi cho biết, qua xác minh, nam thiếu niên trong clip "bắt vợ" gây xôn xao dư luận mới chỉ 16 tuổi. Hiện chính quyền địa phương đã gọi người này lên làm việc, nhắc nhở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn