MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS Bùi Hiền đã đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm của mình

PGS Bùi Hiền đăng ký quyền tác giả: Những ý tưởng "ăn theo" sẽ ra sao?

Dung Hà LDO | 14/01/2018 10:31
Để bảo vệ đứa con tinh thần của mình, PGS.TS Bùi Hiền đã đăng ký quyền tác giả cho bài viết cải tiến chữ quốc ngữ của mình. Điều này đồng nghĩa với việc những người đang kinh doanh “ăn theo” công trình nghiên cứu của PGS Bùi Hiền sẽ buộc phải ngừng ngay việc làm chưa được phép của mình.

Ngày 29.12, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp bản quyền cho "Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông.

Theo PGS.TS Bùi Hiền, việc ông đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình chỉ là để tránh những người dùng công trình của ông với mục đích xấu, xuyên tạc. “Để bảo vệ đứa con tinh thần của mình, tôi đã nhờ luật sư đi đăng ký bản quyền cho công trình cải tiến chữ quốc ngữ” - PGS.TS Bùi Hiền chia sẻ.

Thời gian vừa qua, sau khi PGS.TS Bùi Hiền công bố công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết Tiếng Việt, trên mạng xã hội đã xuất hiện những phần mềm chuyển đổi chữ “ăn theo” đề xuất của PGS Bùi Hiền.

Các bạn trẻ rộ lên trào lưu thay tên đổi họ của mình theo quy tắc viết chữ mới. Chỉ cần gõ tên, phần mềm sẽ tự động chuyển tên Tiếng Việt sang thành tên “Tiếq Việt” theo đề xuất đang tranh cãi.

Trao đổi với Lao Động, PGS Bùi Hiền cho biết: “Đáng lẽ nếu ai muốn sử dụng công trình của tôi thì phải xin phép. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng với tác giả. Dù vậy, tôi cũng không trách họ. Vấn đề bản quyền ở Việt Nam còn khó khăn lắm. Dù không hài lòng nhưng tôi không phản đối”.

Theo luật sư Trần Thu Nam, đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc mọi người sử dụng công trình nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền với bất kỳ mục đích nào mà chưa được sự đồng ý của tác giả là điều không được phép. Đặc biệt khi đã đăng ký bản quyền tác giả cho công trình nghiên cứu của mình thì ông Hiền hoàn toàn có quyền khởi kiện đối với những tổ chức cá nhân đã và đang sử dụng sai phép.

Theo điều 12 của Nghị định  131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài ra, những người vi phạm sẽ buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

"PGS Bùi Hiền có quyền yêu cầu các cơ quan thẩm quyền bảo vệ tác phẩm của mình, đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi sử dụng sai phép tác phẩm của mình. Nếu không, ông có thể tiến hành khởi kiện theo đúng quy định pháp luật", LS Nam cho biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn