MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo PGS.TS Hà Đình Đức, mặc dù không còn rùa Hoàn Kiếm, loài động vật đặc biệt quý hiếm nhưng hồ Gươm vẫn còn nhiều giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài tảo đặc hữu.

PGS-TS Hà Đình Đức nói gì về thông tin không còn "cụ rùa" nào ở Hồ Gươm?

Cường Ngô LDO | 29/11/2017 19:00
Trong cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 28.11, ông  Võ Tiến Hùng - Giám đốc Cty TNHH MTV Thoát  nước Hà Nội cho biết, không còn “cụ rùa” nào ở Hồ Gươm.

Cụ "đi" muộn nhất là ngày 19.1.2016 - đây cũng là cụ cuối cùng.

Không có hậu duệ của "cụ rùa"

“Trong khi nạo vét Hồ Gươm, chúng tôi đã cân nhắc đến các giải pháp, nếu còn "cụ rùa" thì giải quyết thế nào. Do đó, khi quây lưới, đều có phương án giải cứu "cụ rùa" và bảo tồn không ảnh hưởng đến sức khỏe của "cụ" (nếu còn). Nhưng qua kéo lưới thì không còn một "cụ rùa" nào sống ở trong hồ”, ông Hùng cho hay.

Trước thông tin Hồ Gươm không còn “cụ rùa”, PV đã tìm gặp PGS.TS Hà Đình Đức – người có nhiều năm nghiên cứu về “cụ rùa” Hồ Gươm, được mệnh danh là nhà rùa học. Trong buổi nói chuyện, ông Đức xác nhận thông tin không còn "cụ rùa" sống ở Hồ Gươm là chính xác.

Nạo vét Hồ Gươm.

“Hồ Gươm có tất cả 4 cụ rùa, 3 cụ mất cách đây rất lâu, cụ cuối cùng "ra đi" ngày 19.1.2016. Suốt 1 năm qua, tôi theo dõi nhưng không có dấu vết của cụ rùa nào”.

Ông Đức cũng khẳng định, hiện Hồ Gươm không có hậu duệ của “cụ rùa”. Ông cũng phản đối việc đưa rùa Đồng Mô thả vào Hồ Gươm, bởi rùa Đồng Mô không hiền như “cụ rùa” và làm mất đi hình ảnh “cụ rùa” trong tâm thức người dân Thủ đô.

Nạo vét Hồ Gươm ảnh hưởng lớn đến loại tảo Chlorella

Dù Hồ Gươm không còn cụ rùa nhưng vẫn còn nhiều giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là hệ vi tảo đặc hữu.

Một chuyên gia người Hungary xác định Hồ Gươm có gần 140 loài tảo, trong đó có loài tảo Chlorella. Đây là loại tảo rất hiếm trên thế giới, hiện được lưu giữ ở 1 bảo tàng của Nga. Tảo Chlorella có khả năng làm sạch nước, cung cấp ôxy, nhờ vậy mà nước Hồ Gươm có màu xanh lục.

PGS Hà Đình Đức cho hay, bất cứ sự can thiệp nào vào hệ sinh thái ở Hồ Gươm đều có tác động, nhất là với các loại tảo. Cách tốt nhất bảo vệ hệ sinh thái là duy trì hệ sinh thái ấy.

Hồ Gươm hiện ô nhiễm, mực nước cạn khủng khiếp, chỗ sâu nhất chỉ khoảng 1m. Việc cải tạo là cần thiết nhưng phải có quy trình chuẩn, đảm bảo cải thiện được môi trường nước, đồng thời vẫn giữ được đa dạng sinh học.

PGS.TS Hà Đình Đức.

PGS Hà Đình Đức chia sẻ, Hồ Gươm từng nhiều lần cải tạo. Cách đây 8 năm, CHLB Đức mang công nghệ hút bùn sang Việt Nam, thử nghiệm hút bùn ở Hồ Gươm.

Nạo vét bằng công nghệ Đức, các nhà khoa học có phân tích mẫu nước, đa dạng sinh học trước và sau nạo vét thì thấy không khác nhau.

Trong quá trình nạo vét, họ tách lớp bùn tầng trên cùng, nơi sinh sống của các sinh vật tầng đáy, sau đó hút lớp bùn bên dưới rồi trả lại lớp bùn tầng trên cùng. Như vậy vừa đảm bảo chất lượng nước tốt, vừa không ảnh hưởng đến nguồn thủy sinh trong hồ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn