MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cô gái H'Mông cùng nhau chụp ảnh trên “Mỏm Rùa”.

Pha Luông giữa mây trời nở hoa

Văn Hải - Nguyễn Duy LDO | 14/08/2019 06:30

Đỉnh Pha Luông (xã Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La) không chỉ đẹp hùng vỹ, hoang sơ, mà những sắc hoa đỗ quyên có thể biến núi rừng thành một bức tranh sắc màu kỳ diệu. Hành trình đến Pha Luông là một trải nghiệm tuyệt vời với riêng chúng tôi và những ai đam mê đi theo những câu thơ xưa để khám phá cảnh sắc thực. 

1. Chúng tôi ngược từ Hà Nội lên Tây Bắc giữa những ngày hè nắng vàng rực rỡ. Sau gần 200km đường quốc lộ 6 đến được thị trấn Mộc Châu, lần này chúng tôi sẽ không dừng lại quanh quẩn ở những cánh đồng hoa cải, những đồi chè, mà quyết định chinh phục đỉnh Pha Luông.

Có lẽ cái tên Pha Luông đã trở nên quá quen thuộc với mọi người suốt mấy chục năm qua. Bởi từ thời cắp sách tới trường, thì câu thơ:

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” - trích trong bài Tây Tiến của cố nhà thơ Quang Dũng đã ngấm vào trang văn của tuổi học trò. Pha Luông mưa xa khơi ấy chính là vùng núi non Pha Luông của mảnh đất Chiềng Sơn, Mộc Châu bây giờ.

Hôm nay, không còn cái cảm nghĩ xa xôi, mường tượng như khi đọc thơ Tây Tiến nữa, mà đỉnh Pha Luông sừng sững đang đón đợi chúng tôi ở phía trước hành trình.

Giữa mây trời.

2. Từ thị trấn Mộc Châu, cả đoàn rẽ vào quốc lộ 43 theo cung đường chỉ dẫn đi cửa khẩu Lóng Sập. Con đường nhỏ uốn lượn qua những đồi chè xanh mướt, thỉnh thoảng bên đường lại xuất hiện vài gốc cây cổ thụ ngả bóng từ ngàn đời. Đoàn xe đi qua xã Mường Sang ai nấy cũng thích thú khi nhìn thấy biển chỉ dẫn vào thác Dải Yếm. Đó là ngon thác đẹp nhất xứ Mộc Châu, và được ví như dải lụa trắng mượt mà của đồng bào Thái nơi đây. Đường ngày càng nhỏ, uốn lượn men theo những sườn núi với những khúc cua tay áo và đèo dốc lên - xuống liên tiếp.

Đi được khoảng 25km thì đường nhựa, bê tông đã chấm hết, phía trước là một biển trời ngao ngán với đoạn đường đất lầy lội, đỏ ngầu hiện ra. Đoạn đường từ bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn lên đến Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông (thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập) từ xưa đến này vẫn làm khổ, làm nản lòng những người leo núi.   

Những cơn mưa rừng thường xuyên xuất hiện đã làm cho cung đường ngày càng trở nên tồi tệ. Đoạn này tuy chỉ dài 5km, nhưng nhiều du khách và các phượt thủ kinh nghiệm tới đây cũng phải chào thua, xin xuống xe đi bộ. Một số người chấp nhận bỏ tiền thuê những tay lái người bản địa chở vào Trạm kiểm soát biên phòng với cái giá 200 nghìn đồng cho lượt đi và về.

Những bụi đỗ quyên mùa trổ hoa.

Chúng tôi quyết định đi bộ theo những em gái người H'Mông bản địa để có những trải nghiệm. Cả cả đoạn đường, tuy bùn đất lầy lội, nhưng những tiếng cười nói hồn nhiên của các cô bé dường như tiếp sức cho chúng tôi, khiến ai nấy đều cảm thấy quên đi mệt mỏi. Có đoạn cả nhóm phải đi trên chiếc cầu gỗ bập bềnh bắc qua suối với nhiều cảm giác hồi hộp xen lẫn thích thú. Chiều muộn chúng tôi cũng tới được Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông. Theo chỉ dẫn của một anh người dân tộc H'Mông, chúng tôi tìm đến thuê ngủ trọ tại một điểm homestay bình dân. Ở đây có một số khu homestay như của nhà anh Xuân, anh Vạn với giá dịch vụ ăn ngủ rất mềm. Chúng tôi chỉ phải bỏ ra mỗi người 100 nghìn đồng là đã có được cả bữa ăn tối khá ngon miệng và nơi ngả lưng qua đêm. Một số đoàn leo núi có thể làm thủ tục và xin ngủ ngay tại Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông. Nhưng số lượng chỗ ngủ ở Trạm có hạn nên thường được ưu tiên cho những đoàn đặc biệt hoặc đăng ký sớm.

3. Sáng hôm sau, chúng tôi đợi những cơn mưa rừng ban đêm tạnh hẳn để bắt đầu hành trình lên đỉnh Pha Luông. Từ điểm xuất phát gần Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, chúng tôi bắt đầu theo chân các chàng trai cô gái người H'Mông lên đỉnh núi. Trung tuần tháng tư là lúc trai, gái H'Mông thường hẹn hò nhau lên núi để ngắm cảnh, ngắm hoa đỗ quyên nở. Đoạn đường mòn lên đỉnh núi không quá khó như khi leo những điểm núi khác vùng Tây Bắc. Chính vì thế chỉ hơn 3 giờ đồng hồ là chúng tôi đã leo tới độ cao hơn 2.000m - cũng chính là khu vực đỉnh Pha Luông, nóc nhà của cao nguyên Mộc Châu, nằm ngay trên đường biên giới Việt - Lào.

Chúng tôi được mãn nhãn với khung cảnh mây vờn, núi biếc trên đỉnh Pha Luông. Ở đây có những khối núi đá khổng lồ nhô ra với mỗi loài rêu cỏ mọc bên trên. Nổi tiếng nhất chính là “Mỏm Rùa”- với khối đá lớn y như hình một con rùa khổng lồ nhô ra từ núi. Đây là điểm chụp ảnh tự sướng, sống ảo yêu thích của những bạn trẻ leo núi Pha Luông và ưa mạo hiểm.

4. Từ bên khe đá, sườn núi là hoa đỗ quyên. Những bụi hoa đỗ quyên dại vốn rất nổi tiếng trên núi Hoàng Liên Sơn, nay lại xuất hiện trong mây trời Pha Luông đẹp một cách kỳ diệu. Cả đỉnh Pha Luông mùa này rực rỡ sắc trắng, phớt hồng và đỏ của loài hoa như biểu tượng núi rừng Tây Bắc này. Hoa đỗ quyên Pha Luông như được hít khí của trời đất. Đứng trên đỉnh Pha Luông du khách được hòa mình vào cỏ cây hoa lá, phía dưới là vực sâu thăm thẳm hùng vỹ.

Từ “Mỏm Rùa”nhìn sang vách núi dựng đứng, kỳ vỹ chúng ta sẽ thấy những bông hoa đỗ quyên nở khắp các khe đá. Hoa đỗ quyên đã góp phần làm cho bức tranh thiên nhiên hoang sơ ấy mang một vẻ đẹp tinh khôi, đầy màu sắc, ấn tượng.

Một số kinh nghiệm và lưu ý khi leo Pha Luông: Du khách phải dành 2 ngày, 1 đêm để vừa đi, về và leo núi, nếu xuất phát từ thị trấn Mộc Châu. Nên đi tới Trạm kiểm soát biên phòng vào chiều tối, ngủ lại 1 đêm lấy sức khỏe để sáng hôm sau leo núi. Phải mang theo trang phục quần, áo, giày, mũ... leo núi chuyên dụng. Mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống bù muối, nước tăng lực cho hành trình leo núi trong 5 - 6 giờ (cả lên và xuống). Nên thuê người dẫn đường hoặc đi cùng người H'Mông từ điểm dừng xe ( ở bản Pha Luông) cho đến khi leo lên đỉnh núi. Phải mang theo CMND hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh để xuất trình, làm thủ tục leo núi tại Trạm kiểm soát biên phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn