MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh một gốc cây rừng có chu vi hơn 2m, gốc còn tươi nguyên đã bị lâm tặc cưa hạ, lấy gỗ, nhưng Hạt kiểm lâm không đưa vào số cây rừng bị huỷ hoại trong vụ phá rừng... Ảnh: H.H

Phá rừng ở Bình Phước: Xử lý rất khó hiểu!

HOÀNG HƯNG LDO | 12/10/2018 10:55

Báo chí những ngày qua đã phanh phui vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 363, thuộc Nông – lâm trường Tân Lập (Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước). Nông – lâm trường Tân Lập đã từng xử lý các cá nhân liên quan đến vụ phá rừng này. Nhưng, xử lý như... trò đùa.

Ngày 6.8.2018, Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú đã ra văn bản số 83/BC-KL, báo cáo “kết quả thực hiện xử lý vụ khai thác rừng trái phép...”. Trong văn bản này, Hạt kiểm lâm cho biết vụ phá rừng đã được phát hiện từ ngày 19.7. Nhưng, do vào thời điểm đó, thời tiết có mưa nhiều, nên không xác định được toạ độ từng vị trí của số cây gỗ bị khai thác trái phép...

Ngày 27.7, Hạt kiểm lâm mới cùng các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường. Qua đó, xác định tại toạ độ điểm 1, có 22 cây gỗ bị cưa hạ. Trong đó, 11 cây đã bị cắt phần thân gỗ lấy ra khỏi hiện trường (khối lượng khoảng 3,304 m3). Còn lại 11 cây tại hiện trường (khối lượng khoảng 3,200 m3).

Cận cảnh một gốc cây rừng cổ thụ bị cưa hạ, gốc vẫn còn tươi. Ảnh: H.H

Ở toạ độ điểm 2, có 2 cây gỗ bị cưa hạ; phần thân gỗ đã lấy khỏi hiện trường (khối lượng khoảng 1,276 m3). Theo Hạt kiểm lâm, có khả năng chỉ 1 người (hoặc nhóm người) thực hiện hành vi cưa hạ toàn bộ số gỗ nêu trên (24 cây, 7,780 m3), vì có cùng cách thức cưa hạ, liên tục, mỗi ngày cưa khoảng 5-10 cây...

Lực lượng chức năng điều tra xác minh nhưng không xác định được thủ phạm. Theo Hạt kiểm lâm, “đây là vụ vi phạm hành chính (không có dấu hiệu hình sự), với hành vi khai thác rừng trái phép xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 363...”.

Từ đó, Hạt kiểm lâm làm việc với chủ rừng là Nông – lâm trường Tân Lập. Ban giám đốc Nông – lâm trường Tân Lập đã xử lý kỷ luật 3 cá nhân trong đội bảo vệ có tên Đắc, Bộ và Ý (không nêu rõ họ). Theo đó, Nông – lâm trường Tân Lập kỷ luật “khiển trách” đối với ông Đắc và ông Bộ, còn ông Ý chỉ “nhắc nhở, rút kinh nghiệm”.

Việc xử lý gây nhiều bất bình trong dư luận bởi, vụ phá rừng với 24 cây rừng bị cưa hạ vẫn còn đang rỉ nhựa; thế nhưng, xử lý các cá nhân liên quan để mất rừng thì chỉ “khiển trách” và “rút kinh nghiệm”. Riêng thủ phạm phá rừng thì ... không xác định được.

Trong khi đó, kề bên khu rừng có 24 cây bị cưa hạ, là vườn điều mới khai hoang, vừa trồng mới, còn sờ sờ một số gốc cây cổ thụ (chu vi từ 2-8m) đã bị cưa hạ lấy gỗ, gốc cây vẫn còn tươi nguyên, nhưng không thấy lực lượng chức năng lập biên bản, xác nhận bị cưa hạ trái phép hay hợp pháp.v.v...

Cây rừng bị cưa hạ nằm ngổn ngang... Ảnh: H.H

Ngày 8.10 vừa qua, Tỉnh uỷ Bình Phước ra công văn “khẩn” số 2436-CV/TU, chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh các đối tượng phá rừng theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân liên quan.

Dư luận kỳ vọng với chỉ đạo này, vụ phá rừng trên phải được xử lý đúng mức mới đủ sức răn đe và chấm dứt nạn “chảy máu” rừng ở Bình Phước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn