MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe khách giường nằm chạy đêm tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Đ.T

Phải đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Đặng Tiến LDO | 15/02/2020 07:46

Với mục tiêu giảm ùn tắc, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông của thành phố; khai thác hiệu quả công suất hoạt động của các bến xe và tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại quy hoạch luồng tuyến. Từ đó, Sở nghiên cứu đề xuất để báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT phê duyệt mở thêm các tuyến xe khách chạy đêm nhằm đạt được ba mục tiêu trên.

Đảm bảo lợi ích 3 bên

Mới đây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án báo cáo UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT phê duyệt mở thêm các tuyến xe khách chạy đêm trong năm 2020. Theo ông Vũ Văn Viện, để làm được việc này, thay vì đợi các doanh nghiệp (DN) vận tải đề xuất nhu cầu, cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động rà soát lại quy hoạch luồng tuyến, từ đó đưa ra danh mục tuyến nhằm kêu gọi DN tham gia đầu tư, hoạt động. Cùng với công khai danh mục luồng tuyến, thành phố sẽ nghiên cứu cho phép các tuyến chạy đêm được đi vào các đoạn, tuyến đường ngắn nhất có thể nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách và giảm chi phí cho DN vận tải. Khi tổ chức được việc này, công tác tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện rộng rãi để hành khách biết và lựa chọn loại hình vận tải cũng như khung giờ di chuyển phù hợp. Khi đó, việc  này sẽ bảo đảm hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Anh Nguyễn Khánh Cương (trú tại CT1 Mỹ Đình) cho biết, do đặc thù công việc, dự án anh thi công tại Hà Tĩnh nên hằng tuần anh phải đi về bằng xe giường nằm vào ban đêm rất thuận tiện, an toàn và đặc biệt là tiết kiệm được thời gian. “8 giờ tối Chủ nhật, tôi xuống Bến xe Nước ngầm đi xe giường nằm. Ngủ 1 giấc và sáng thứ 2, tôi có mặt tại Hà Tĩnh làm việc” - anh Cương chia sẻ.

Tại Hà Nội, Bến xe Nước ngầm là bến duy nhất có xe chạy đêm về phía Nam, trong đó, chuyến rời bến muộn nhất được khởi hành lúc 23 giờ. Được biết, mỗi ngày bến tiếp nhận khoảng 500 xe hoạt động (khoảng 30% xe chạy đêm chủ yếu là tuyến Hà Nội-Vinh-Hà Tĩnh và ngược lại). Cũng theo anh Cương, mỗi chuyến hành trình đêm mất khoảng 6-7 giờ cả ăn nghỉ dọc đường sẽ tiết kiệm cho hành khách rất nhiều. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động xe đêm để phục vụ hành khách, như cho phép một số bến của Hà Nội và các tỉnh khác triển khai dịch vụ xe khách chạy đêm để phục vụ nhu cầu của  hành khách.

Mong muốn của anh Nguyễn Khánh Cương cũng là nhu cầu của rất nhiều hành khách khác. Tuy nhiên, trong số hàng nghìn tuyến vận tải hành khách liên tỉnh kết nối Thủ đô tới các tỉnh thành cả nước hiện nay, đại đa số hoạt động vào ban ngày. Số tuyến chạy đêm (hoạt động trong khung giờ từ sau 20h cho đến 6h ngày hôm sau) chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Nếu như vào ban ngày, đặc biệt vào các ngày cuối tuần, các bến xe trên địa bàn thành phố luôn tấp nập người và phương tiện ra vào bến thì sau 20h hằng ngày lại rất vắng vẻ. Lác đác mới thấy có khách vào bến. Thậm chí, nhiều xe xuất bến với số ghế trống quá nửa.  

Cần căn cứ vào thực tế

Giám đốc Bến xe Nước ngầm (Hà Nội) Nguyễn Văn Lập cho rằng, không phải tuyến nào cũng chạy đêm và xe nào cũng có thể chạy đêm được vì phải phụ thuộc vào cự ly và nhu cầu đi lại của người dân. Những tuyến ngắn như Hà Nội-Thái Bình, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Vĩnh Phúc, Hà Nội-Hoà Bình… không cần thiết phải chạy đêm. Được biết, hiện chưa có văn bản nào quy định xe phải chạy đêm hoặc không có gì làm động lực để nhà xa chạy đêm ngoài việc doanh nghiệp vận tải thấy nhu cầu đi lại của người dân để mở tuyến.

Phát triển được việc chạy đêm sẽ làm giảm ách tắc giao thông trong nội đô và lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường vào ban ngày.

Lái xe 37B.02684 chạy tuyến Hà Nội - Vinh nói rằng, chạy ban đêm, mỗi xe 2 lái xe thay nhau ngủ và đường vắng, ánh đèn xe quét, lái xe bao quát được cung đường chạy, các phương tiện khác, cũng như phát hiện có vật cản phía trước. Cùng đó, nhiều lái xe tuyến Hà Nội-Vinh -Hà Tĩnh cho hay, chạy đêm an toàn hơn chạy ngày. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông ở ban ngày giữa các xe khách với các phương tiện khác, đặc biệt là với xe thô sơ vì xe khách to tầm nhìn hạn chế khi vào các khúc cua và đường đông.

Theo Trưởng Phòng Kế hoạch (Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội) - Trần Hoàng, hiện mới có 105 tuyến xe hoạt động từ sau 20h tại các bến xe do Công ty quản lý. Trong đó, Bến xe Giáp Bát có 12 chuyến, chủ yếu đi Nam Định, Móng Cái (Quảng Ninh), Cao Bằng, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh... Bến xe Mỹ Đình có 70 chuyến, chủ yếu đi các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và Cẩm Phả, Móng Cái (Quảng Ninh)... Tại Bến xe Gia Lâm, có 23 chuyến đi các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu... Cũng theo ông Hoàng, nếu thành phố thống nhất bổ sung vào quy hoạch luồng tuyến, đơn vị sẽ phối hợp với các DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chủ trương này một cách hiệu quả nhất.

Một số DN vận tải cho rằng, muốn phát triển xe khách chạy đêm cần phải có ưu đãi về phí bến, bãi; bố trí tần suất hoạt động phù hợp để các nhà xe có thể duy trì, thu hút thêm nhiều hành khách, tiến tới đưa các tuyến chạy đêm dần đi vào hoạt động ổn định. Tiếp đến, các nhà xe đăng ký hoạt động ban đêm phải cam kết tuân thủ theo đúng luồng tuyến, biểu đồ chạy xe, tránh tình trạng ban đầu hoạt động vào ban đêm ít khách, khó khăn lại tìm cách chuyển sang hoạt động vào ban ngày, vừa phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, vừa gia tăng ùn tắc giao thông...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn