MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người học lái xe phải học 2 tiếng về tác hại của rượu bia. Ảnh minh họa

Phải học 2 giờ về tác hại của rượu bia mới được cấp bằng lái xe

Minh Hạnh LDO | 02/01/2020 10:40
Theo quy định của thông tư số 38/2019/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Lê Đình Thọ Ký, từ ngày 1.1.2020, người học thi lấy bằng lái xe phải học thêm 2 giờ về nội dung phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Theo đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), việc quy định buộc phải học nội dung phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông được áp dụng từ 1.1.2020 đối với những người đăng ký học lái xe từ đầu năm 2020.

Ngoài nội dung, chương trình đào tạo bổ sung nội dung đào tạo phòng chống tác hại của rượu, bia, Thông tư 38/2019/TT-BGTVT cũng đã bổ sung nội dung học xử lý các tình huống giao thông qua phần mềm mô phỏng các kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi, đường trơn trượt...

Cùng đó, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cũng điều chỉnh tăng mức xử phạt đối các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO (2013) cho thấy tỉ lệ tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới rượu bia vào khoảng 36% trong những ngày thường. Đặc biệt vào các dịp cao điểm lễ tết, số nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới rượu bia lên tới hơn 60%, phần lớn là các vụ rất nặng.

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng việc quy định học viên phải học thêm 2 tiếng về nội dung phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông là cần thiết. Tiếp tục nghiên cứu nâng cao các mức phạt để đủ sức răn đe (nếu cố tình tái vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng hoàn toàn có thể tịch thu phương tiện, treo bằng vĩnh viễn...).

Đồng thời xây dựng hệ dữ liệu để quản lý tái phạm, chia sẻ giữa các cơ quan của ngành Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Bảo hiểm và chính quyền địa phương để phối hợp quản lý – công cụ giáo dục (lao động công ích, học lại thi lại bằng lái xe ở mức độ khắt khe hơn) và kinh tế (thay đổi mức bảo hiểm theo mức độ rủi ro của phương tiện/người lái và lịch sử lái xe).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn