MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo sáng 1.10.

Phải làm rõ các chính sách đảm bảo không gây rủi ro

Cẩm Hà LDO | 02/10/2019 17:00

Liên quan tới việc thu xếp nguồn vốn cho dự án cao tốc Bắc - Nam, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo quý III/2019 tổ chức ngày 1.10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng sẽ quan tâm và làm sao cân đối cho hợp lý. “Tất nhiên cao tốc Bắc - Nam không phải xuống tiền một lúc mà theo từng giai đoạn thành phần” - ông Tú cho biết.

Về nhu cầu vốn, dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 102.513 tỉ đồng, trong đó gồm 50.812 tỉ đồng vốn nhà nước và có tới hơn 51.700 tỉ đồng huy động BOT. Đây là nguồn vốn rất lớn so với các dự án BOT giao thông trước đây và theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc cho vay đối với dự án cao tốc Bắc - Nam cần đi đôi với việc các ngân hàng phải cân đối để đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng. Các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến việc đầu tư BOT để không gây rủi ro như vấn đề về thu phí BOT, vấn đề đặt trạm thu phí vì các vấn đề này tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, đi cùng đó là những khoản vay của hệ thống ngân hàng thương mại.

“Hôm qua tại Lạng Sơn, thay mặt NHNN tôi đã báo cáo với Thủ tướng và các bộ, ngành về việc thực hiện tham gia các dự án BOT giao thông là một trong những quyết tâm cao của các ngân hàng thương mại và trách nhiệm chính trị rất lớn” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay. Tuy nhiên cũng theo đại diện NHNN, trong thực tế hoạt động của các ngân hàng hiện nay, huy động vốn ngắn hạn vẫn là chủ yếu trong khi cho vay các dự án BOT giao thông là trung và dài hạn phải từ 10 - 15 năm, số lượng vốn lại rất lớn lên tới hàng nghìn tỉ đồng chứ không phải vài chục tỉ đồng nên các ngân hàng phải rất cân đối.

Chưa kể khi cho vay, các ngân hàng còn phải tuân thủ các quy định rất khắt khe về chỉ số an toàn trong hoạt động như không được vượt quá 15% vốn tự có với một đơn vị vay hay quy định về hệ số an toàn vốn (CAR). Do đó theo lãnh đạo NHNN, nếu các ngân hàng (ở đây chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh) không được bổ sung vốn kịp thời sẽ ảnh hưởng tới khả năng giải ngân cho các dự án hàng nghìn tỉ đồng bởi vốn các dự án BOT chủ yếu là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại quốc doanh, chưa kể các ngân hàng còn phải cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên khác.

Cũng liên quan đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, theo báo cáo của NHNN, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 24.9 đạt mức tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Trong mức tăng này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%. Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội cũng được triển khai quyết liệt. Ngược lại, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc NHNN giảm lãi suất điều hành từ 16.9.2019 là để đưa ra thông điệp nền kinh tế ổn định, tạo yếu tố tâm lý cho doanh nghiệp và thị trường. Về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN khẳng định chủ trương của NHNN là tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, không có việc tăng lãi suất và khả năng còn giảm lãi suất được hay không còn phụ thuộc vào các chỉ số kinh tế vĩ mô. C.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn