MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chó không rọ mõm ở khu vực ven hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: PV

Phải làm rõ trách nhiệm chủ nuôi và chính quyền

NHÓM PV LDO | 15/07/2019 07:07

Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ chó cắn người gây tử vong tại nhiều địa phương. Ngoài những quy định, chế tài xử phạt của các cơ quan chức năng và tổ bắt chó thả rông, quan trọng nhất, vẫn là ý thức của những người nuôi chó.

Nếu vẫn còn tình trạng chó thả rông không được quản lý, chắc chắn rằng sẽ còn nhiều sự việc đau lòng liên quan đến chó xảy ra.

Nhiều vụ chết người vì chó cắn

Vừa qua, địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều trường hợp chó tấn công người, gây hậu quả nghiêm trọng. Nạn nhân đa số là các cháu nhỏ.

Mới đây nhất, chiều 10.7, cháu Phan Thị Yến N (22 tháng tuổi, Nghi Lộc, Nghệ An) đang chơi cùng chị gái 10 tuổi ở trước nhà, bất ngờ bị một con chó của gia đình hàng xóm xông vào cắn khiến bé bị nhiều vết thương ở vùng mạn sườn. Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã nhanh chóng tìm cách ứng cứu, đồng thời đưa cháu bé đi cấp cứu. Song do vết thương quá nặng, cháu N đã tử vong.

Trước đó, dư luận chưa kịp nguôi với vụ việc xảy ra chiều 3.4 với nhóm học sinh trường Tiểu học thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) rủ nhau chơi đá bóng ở sân vận động cũ của huyện. Khi đá bóng xong, bé trai 7 tuổi về nhà trọ gần đó thì bị đàn chó khoảng chục con lao vào cắn. Bé trai nhập Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau đó không lâu, cháu bé không qua khỏi, cũng tử vong tại bệnh viện.

Không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng khó chạy thoát khi bị chó tấn công. Vào tháng 3.2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai tiếp nhận một bệnh nhân nam có biểu hiện của bệnh dại như mỏi mệt, nôn, vật vã với diễn biến gia tăng. Sau thời gian ngắn, bệnh nhân tử vong. Nguyên do 3 tháng trước, nạn nhân mua một con chó không rõ nguồn gốc và bị chó cắn vào tay. Sau khi cắn xong, con chó bỏ đi mất tích, nạn nhân đã không tiêm phòng dại.

Nhiều vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra, nhưng tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm vẫn chưa được xử lý triệt để. Ngay trên đường phố Hà Nội, hàng ngày, nhiều người dân vẫn vô tư đưa chó ra vườn hoa hoặc lượn phố mà không hề có rọ mõm. Theo ghi nhận của PV Lao Động, nhiều ngày liên tiếp tại các khu như Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Đống Đa..., mỗi sáng và chiều, nhiều người dân mang chó đi dạo mà không hề đeo rọ mõm cho chó. Đôi khi đang đi đường gặp những con chó lớn xồ đến, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng phải khiếp sợ.

Ngoài ra, trào lưu nuôi chó Becgie và chó Pitbull - giống chó dữ thuộc hàng bậc nhất thế giới - đang xuất hiện ở nhiều địa phương. Hiện, do bị lai giống, nhiều con Becgie và Pitbull có hiện tượng lỗi thần kinh đã quay lại tấn công chính chủ chó hoặc người đi đường.

Cần quản lý chặt chẽ thú nuôi

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội - cho biết, các vụ việc chó cắn người xảy ra ngày càng nhiều khiến việc liên quan đến xử lý chó thả rông ở Hà Nội cũng “nóng” hơn. “Dù kết quả đạt được chưa cao nhưng tình trạng chó thả rông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm” - ông Sơn nhấn mạnh.

Còn BS Dương Ngọc Thắng - Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - đưa ra khuyến cáo: “Rất cảnh giác với các tai nạn chó cắn, kể cả chó nhà, do mức độ tổn thương hết sức trầm trọng trong thời gian gần đây. Trường hợp bị cắn vào chỗ hiểm, chảy máu nhiều qua vết thương thì nhiều khả năng bị tổn thương vào mạch máu lớn. Khi đó, người sơ cứu cần dùng khăn bông dầy bịt và ép chặt vào vết thương để cầm máu tạm thời, rồi chuyển đến các bệnh viện lớn gần nhất hoặc chuyển tuyến cao hơn. Không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc mất máu không hồi phục”.

Về giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế những trường hợp vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, ThS, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính pháp, Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay, bên cạnh các chế tài xử phạt, cơ quan chức năng cần thắt chặt công tác quản lý đối với gia súc, đặc biệt là đối với vật nuôi gần gũi với con người như chó, mèo. Cần công khai và có biện pháp nghiêm minh đối với các hộ không đăng ký chó nuôi, thả rông chó, không chấp hành tiêm vaccine phòng dại chó. Cần thành lập tổ bắt chó thả rông theo đúng quy định pháp luật và áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành quy định về quản lý nuôi.

LS Cường cũng cho biết, cháu bé Phan Thị Yến N (Nghệ An) tử vong do bị chó cắn, chủ nuôi chó đã không tuân thủ các nguyên tắc trên, thả rông chó dẫn đến vụ việc đau lòng. Hành vi này có dấu hiệu tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại điều 128 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức hình phạt đối với hành vi này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, việc chủ chó không quản lý chó nuôi cẩn thận, thả rông chó, khiến chó tấn công cắn cháu bé đã xâm phạm đến tính mạng cháu bé. Việc bồi thường trong trường hợp này được quy định tại khoản 1 điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn