MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
u Sách giáo khoa mới phải tốt nhất đối với cả học sinh và giáo viên. Ảnh: TÔ THẾ - BH

Phải tốt nhất đối với cả học sinh và giáo viên

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 18/09/2019 11:54

Sáng 17.9, Báo Lao Động đã tổ chức buổi tọa đàm “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Cần phải làm gì để có những bộ sách giáo khoa phù hợp, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, góp phần chuyển biến nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của người học theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội?

Tham gia buổi toạ đàm có Tiến sĩ Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Tiến sĩ Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT; PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Thế nào là một bộ SGK tốt?

Tiến sĩ Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ: “Tôi cho rằng một bộ sách giáo khoa tốt phải đáp ứng được 4 yêu cầu. Trước tiên, phải thể hiện đúng chương trình. Thứ hai, phải có chất lượng tốt, thể hiện ở lựa chọn minh hoạ kiến thức đã được lựa chọn trong chương trình, hình thức thể hiện phải tốt. Thứ ba, dễ sử dụng với cả người dạy, người học, phụ huynh học sinh. Cuối cùng, giá thành của sách giáo khoa cũng cần phù hợp với mức độ chi tiêu của đại đa số gia đình học sinh. Khi đáp ứng được 4 yêu cầu đó thì sẽ là bộ sách giáo khoa tốt. Với cách tiếp cận, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa tốt, phụ huynh học sinh có thể lựa chọn phù hợp nhất. Về phía Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có dự kiến năm 2020, năm đầu tiên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88, Quốc hội sẽ đưa vào chương trình giám sát năm 2020”.

Về quy trình tuyển chọn, đã có những ý kiến cho rằng việc loại bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại (Bộ sách đã được dùng 40 năm và triển khai tới 900.000 học sinh trong những năm qua) cho thấy có nhiều vấn đề còn tranh luận. Về vấn đề này, TS Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - khẳng định: “Việc thẩm định sách giáo khoa nên bắt đầu từ các câu chuyện thực các văn bản: Nghị quyết 88 của Quốc hội và xuất phát từ chỉ đạo cao nhất là Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương.

Từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành quyết định số 04 về chương trình sách giáo khoa. Trong các văn bản nói trên đã khẳng định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới phải đáp ứng những yêu cầu rõ ràng.

Trách nhiệm trong luật cũng nói rất rõ về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công các tổ chức thực hiện. Mọi quyết định của bộ trưởng đối với sách giáo khoa đang thực hiện đúng luật.

Khi thực hiện các nội dung đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, ban hành thông tư 33 năm 2017 và năm 2018 ban hành thông tư 32. Chúng ta xoay vào thông tư 33 để áp dụng đánh giá trượt 1 bộ sách nào đó, thông tư 33 là quy định cấu trúc và những điều kiện của bộ sách giáo khoa. Vậy anh muốn viết sách giáo khoa thì phải tìm hiểu thông tư 33 để tìm hiểu quy định cấu trúc, nội dung và những điều kiện tiên quyết khi đó là sách giáo khoa.

Hai thông tư này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và đa số tác giả đã nghiên cứu kỹ. Cho tới thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, có 3 nhà xuất bản gửi lên 5 bộ bản thảo sách giáo khoa. Chúng tôi đánh giá đây là thành công bước đầu thực hiện các chỉ đạo của Đảng, sự đổi mới chương trình sách giáo khoa trong giai đoạn mới. Tuy nhiên trong 5 bộ, có sách tiếng việt, sách toán, sách giáo dục thể chất... có nhiều sách giáo khoa không đạt. Vì những bản thảo này hội đồng đã áp dụng những điều kiện tiên quyết từ thông tư 33 về cấu trúc sách giáo khoa, những nội dung. Sau đó mới đi vào mạch kiến thức theo thông tư 32.

Qua vòng 1 có nhiều bản thảo đánh giá là không đạt. Ban tổ chức nhận bản thảo từ đơn vị có chức năng là nhà xuất bản có quyền thông báo tới tác giả, tác giả có quyền chỉnh sửa những bản thảo không đạt. Tôi xin khẳng định lại những bản thảo sách giáo khoa được đánh giá là không đạt hay đạt cần sửa chữa đều có quyền chỉnh sửa và nộp lại cho Ban tổ chức để thẩm định lại. Tôi xin nói thêm hội đồng thẩm định được thành lập trên 1 quy trình chặt chẽ có giáo viên, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, miền nam có, miền trung có, miền bắc có, vùng khó khăn có. Có 15 nhày để hội đồng tiếp cận và 7 ngày để các thành viên hội đồng thảo luận với nhau.

Vì sao sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục bị loại

PGS-TS Phạm Văn Tình người từng có kinh nghiệm tham gia hội đồng thẩm định SGK đưa ra quan điểm: “Đó là chuyện rất bình thường”.

Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cho các khách mời tham gia toạ đàm “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Ảnh: TÔ THẾ

Bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được biên soạn trên một quan điểm giáo dục riêng và đã được thực hiện trong suốt 40 năm, có một khối lượng giáo viên và học sinh rất lớn, đạt được kết quả tốt.

Tuy nhiên, hiện tại hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng không thông qua bộ sách này thì như thế người ta đã chọn được giải pháp thích hợp hơn. Khi đó, chúng ta cảm thấy trong dòng chảy lịch sử đó cũng là chuyện bình thường. Bởi tôi nghĩ kết luận của hội đồng thẩm định là khách quan.

Ít nhất như tôi biết, hội đồng đó không vi phạm những nguyên tắc như không đủ tư cách, khả năng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có ai đó cho rằng có một sự chỉ đạo nên lưu ý bộ này bộ kia. Trừ khi phát hiện ra văn bản hay chứng cứ có một sự vi phạm nào đó thì chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng ý kiến của hội đồng thẩm định là khách quan.

Với tư cách từng là một người trong hội đồng thẩm định sách giáo khoa, giáo trình, như tôi biết rằng, khi thẩm định không cho biết thông tin về tác giả. Hội đồng thẩm định theo phương pháp đánh số, ký hiệu và xoá tên tác giả và những người tham gia biên soạn. Điều này tránh sự thiên vị. Cũng có thể ta đoán được nhưng chỉ là đoán thôi”- TS Tình nói thêm.

Cùng về chủ đề trên, TS Phạm Tất Thắng nói: “Đúng là sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã có sức sống, được triển khai trong thực tế, đã khẳng định và được thừa nhận nhưng một mặt nếu được lựa chọn phải đáp ứng được chương trình mới. Đây là một yêu cầu bắt buộc phải làm bởi phương pháp dạy, các tiếp cận, yêu cầu cũng đã mới”.

Ở đây có vấn đề làm rõ là GS Hồ Ngọc Đại đã không muốn chỉnh sửa bộ sách của mình. TS Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thông tin thêm: “Ngay cả bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng có thể điều chỉnh được, nếu như ông thấy rằng có thể sửa theo ý kiến của hội đồng. Có những bộ sách phải sửa đến gần 1.000 chi tiết bởi các thành viên hội đồng đưa ra. Vì thế chúng ta không nên băn khoăn trong việc phải sửa nhiều chi tiết mà chúng ta chỉ nên băn khoăn việc sửa chi tiết có hướng đến định hướng và có tính khả thi khi sửa hay không?

Nếu chúng ta xuất phát từ tinh thần cầu thị và tinh thần vì giáo dục thì chúng ta phải xem xét ý kiến của hội đồng có xác đáng và chủ biên có nên lưu ý hay không? Nhưng GS Hồ Ngọc Đại không có ý định sửa chữa, đó cũng là quyền của chủ biên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi chúng ta tham gia một cuộc thi chúng ta phải tuân theo ý kiến của giám khảo hoặc nếu không đồng tình chúng ta có quyền phúc tra về kết quả đó”.

SGK không còn là “pháp lệnh”

Về bộ sách giáo khoa lớp 1 sắp triển khai, TS Phạm Tất Thắng cho biết: “Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã tổ chức giám sát chất lượng giáo dục phổ thông, kết quả cho thấy còn những bất cập như dư luận xã hội phản ánh, chính vì thế, trên tinh thần của Nghị quyết 29, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Tinh thần của Nghị quyết 88 tiếp tục thể hiện trong Luật Giáo dục sửa đổi, là thay đổi căn bản cách tiếp cận, trước dạy theo kiểu truyền đạt kiến thức một chiều bây giờ tiếp cận trên cơ sở năng lực, khả năng, lấy học sinh là trung tâm.

Trước đây, coi sách giáo khoa là “pháp lệnh”, cả nước cùng chung một bộ sách giáo khoa thì nay chương trình là pháp lệnh; còn sách giáo khoa là cách thể hiện chương trình. Vì thế, ứng với 1 chương trình có nhiều cách thể hiện, nhiều sách giáo khoa khác nhau. Chính từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định 5 bộ sách giáo khoa để có thể đưa vào thực hiện trong năm học 2020-2021 theo chương trình mới.

Chất lượng tốt nhưng giá phải phù hợp

* “Khi chúng ta thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa thì cũng đã nhằm đến việc xã hội hoá biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, mong có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản, nhóm tác giả, làm sao để có bộ sách vừa có chất lượng tốt nhưng cũng có giá thành phù hợp. Trong quá trình cạnh tranh lành mạnh này, nếu nhà xuất bản, nhóm tác giả nào dù có chất lượng tốt nhưng giá thành cao cũng sẽ không thuận lợi. Yếu tố về quản lý nhà nước, sách giáo khoa là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến quyền của người dân, của trẻ em, vì vậy Nhà nước sẽ có sự kiểm soát về giá sách giáo khoa. Tôi tin rằng, khi thực hiện chương trình mới, Nhà nước sẽ có biện pháp để kiểm soát giá sách giáo khoa cho hài hoà lợi ích giữa nhà xuất bản và quyền lợi của người dân”. TS PHẠM TẤT THẮNG

* “Trong xu hướng xã hội hoá giáo dục hiện nay, Nhà nước cần lưu ý hỗ trợ đầu tư. Nhà xuất bản không thể chịu thua lỗ, vì thế cần có sự hỗ trợ của nhà nước để giá bán phù hợp với phụ huynh học sinh. Vì chúng ta có nhiều phụ huynh để bỏ 200.000-300.000 đồng mua một bộ sách giáo khoa không phải vấn đề lớn lắm nhưng với nhiều khu vực thì đó thật sự là một khoản tiền không nhỏ. Chúng ta cần tính đến vấn đề tài chính. Từ trước đến nay Nhà nước làm rất tốt vấn đề này và tôi hy vọng chủ trương đó được tiếp tục”. TS PHẠM VĂN TÌNH

* “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có phát hiện những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người học và những bất thường trong cơ chế cung cầu của thị trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế trên toàn quốc. Bộ sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội để làm tốt công tác này trong thời gian tới”. TS THÁI VĂN TÀI

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn