MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Huỳnh Vinh Võ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để bón phân cho cây giúp giảm lượng phân sử dụng. Ảnh: PV

Phân bón tăng giá chóng mặt, nông dân Kiên Giang tạm xài “chiêu” ứng phó

NGUYÊN ANH LDO | 21/04/2022 16:50

Kiên Giang - Giá phân bón, xăng, dầu liên tục tăng cao khiến nông dân gặp khó trong đầu tư sản xuất nông nghiệp nên họ đã áp dụng 1 số cách làm để hạn chế thấp nhất chi phí mua phân. 

Chi phí tăng gấp đôi

Theo nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chia sẻ, cơ cấu trong sản xuất lúa thì giá thành phân bón chiếm khoảng 22%, giống lúa chiếm 9%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%. Thời gian gần đây giá phân bón liên tục tăng cao làm tăng giá thành sản xuất lúa.

Ông Nguyễn Văn Hồng, nông dân huyện Hòn Đất cho biết, nếu trước đây chi phí sản xuất chỉ dao động từ 10-12 triệu đồng/ha nay phân bón, xăng, dầu tăng giá làm tăng chi phí đầu tư sản xuất gấp hai lần. Vụ lúa đông xuân năm 2021 - 2022 chi phí đầu vào sản xuất khoảng hơn 30 triệu/ha cao hơn trước gấp đôi trong khi giá lúa không tăng.

“Nông dân tự gỡ khó bằng các biện pháp như sạ thưa, 3 giảm 3 tăng giúp giảm lượng phân bón tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm năng suất lúa. Tuy nhiên lợi nhuận không bằng những năm trước vì phải trừ vốn đầu tư dù đã giảm lượng phân sử dụng”, ông Hồng cho hay.

Nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất giúp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Ảnh: PV

Đến thăm hộ gia đình ông Huỳnh Vinh Võ, ngụ xã Bình An huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ông Võ cho biết, việc trồng tổng hợp khóm - cau - dừa giúp ông thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.

Theo kinh nghiệm qua 3 đời làm rẫy, với ông Võ, nước chính là yếu tố quan trọng đầu tiên rồi đến phân theo thời vụ. Hiện nay giá phân bón tăng gấp đôi khiến cho lợi nhuận giảm nhiều, bà con gặp khó khi đầu vào phải tốn khá nhiều chi phí mua phân. Trên 3ha đất trồng ông Võ dùng khoảng 5 tấn phân (chia ra cho 3 đợt ) trong 1 năm.

Ông Võ chia sẻ: “Thường năm tôi tốn khoảng 20 triệu tiền phân thì giờ tăng gấp đôi. Giá phân thì cũng có biến động nhưng mọi năm lên xuống không đáng kể, riêng năm nay lên gấp đôi. Chưa kể nếu trồng không đạt thì lại mang thua lỗ chứ đừng nói huề vốn”.

Dùng biện pháp kỹ thuật để tạm gỡ khó

Trước tình hình phân bón tăng cao ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo nông dân áp dụng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất giúp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Khuyến cáo nông dân tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng) khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng quy trình sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như gieo sạ bằng máy, phun thuốc bằng máy bay, quản lý bơm tưới bằng thiết bị di động, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học...

Cán bộ khuyến nông chia sẻ các biện pháp kỹ thuật với bà con. Ảnh: PV

Ông Trần Phước Hiền, Phó trưởng trạm khuyến nông huyện Châu Thành cho biết, việc gieo sạ bằng máy sạ lúa theo bụi giúp giảm 50% lượng giống so với phương pháp sạ lan, giảm 20% chi phí phân bón, 20% chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

“Thói quen gieo sạ của nông dân là khi lúa bắt đầu lên 10-15cm mới bón phân thì lúa chỉ hấp thụ được 50%, phần còn lại bốc hơi hết vừa hao tốn lại ảnh hưởng môi trường. Chúng tôi khuyến cáo bà con có thể thay thế bằng cách bón lót khi làm đất, dùng phân hữu cơ... để ứng phó với giá phân tăng cao như hiện nay”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn