MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
7 lao động tự do sống trong “căn hộ vé số” ở phường Cầu Kho (quận 1, TPHCM). Ảnh: Anh Tú

Phận đời bên trong những “căn hộ vé số”

Khánh Linh - Anh Tú LDO | 17/07/2021 14:32
Kể từ khi TPHCM bắt đầu bùng phát dịch bệnh cho đến khi toàn thành phố áp dụng Chỉ thị số 16 giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày bắt đầu từ 0h ngày 9.7.2021, hầu hết những người lao động tự do kiếm sống bằng nghề bán vé số, ve chai, hàng rong hay xe ôm truyền thống... gặp rất nhiều khó khăn. Họ chỉ còn biết tụ lại trong những “căn hộ vé số” - nơi thuê trọ với giá rẻ nhất - để quay quắt qua ngày.

Họ là một trong những bộ phận yếu thế nhất trong xã hội, chịu tác động nhiều nhất do dịch bệnh COVID-19, nay chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của xã hội.

"Đôi chân vạn dặm"

Theo chân cán bộ phường Cầu Kho (Quận 1) chạy xe máy rẽ vào con hẻm nhỏ số 22 chân cầu Nguyễn Văn Cừ, nơi lưu trú của nhiều người lao động. Tới ngã ba hẻm, cán bộ phường dừng xe lại cầm theo danh sách, đi bộ vào sâu hơn. Dừng lại ở số nhà 24/22A, căn nhà nhỏ bé cũ kỹ với những chiếc xe đạp cũ mèm được treo kín trên tường bên ngoài. Cán bộ phường cho biết đây là "hộ vé số" - nơi có 7 người lớn tuổi bán vé số cùng nhau sinh sống trong không gian chỉ chừng 20m2.

Sau khi đối chiếu thông tin trong danh sách nhận tiền hỗ trợ, 6 người trong hộ đều nhận được số tiền 1,5 triệu đồng/người. Duy chỉ có ông Nguyễn Thành Quý (sinh năm 1968) do mới bị mất toàn bộ giấy tờ nên tạm thời chưa nhận được tiền hỗ trợ.

"Vào 14 âm lịch tháng trước, chiều đó tôi đang đi bộ bán vé số thì bị người ta lừa lấy mất hết số tiền hơn 12 triệu đồng mà 2 vợ chồng dành dụm được trong nửa năm trời. Lúc đó tôi ngơ ngẩn và không thể nhớ gì cả, không nhớ mặt người đã nói chuyện với mình, cũng không nhớ vì sao lại mất tiền. Đến khi bừng tỉnh lại thì tất cả tiền và cả giấy tờ tùy thân tôi mang theo trong ví đã bị lấy mất. Sợ vợ giữ nhiều tiền lỡ có bị làm sao... Vậy mà cuối cùng mình cầm lại mất hết" - ông Quý cười nhẹ nhưng ánh mắt rưng rưng khi kể lại.

Mắc chứng bệnh cao huyết áp ông Quý chỉ có thể đi bộ để bán vé số: "Tôi mà đạp xe là huyết áp nó lên liền nên chỉ có cách đi bộ bán quanh khu vực gần nhà đây thôi"- ông Quý nói. Mỗi ngày ông Quý chỉ kiếm được 120.000-150.000 đồng nhờ bán vé số, 2 vợ chồng tích góp mãi nửa năm mà số tiền bỗng "không cánh mà bay" khiến những ngày vừa qua của 2 vợ chồng khó khăn càng thêm khó khăn.

Dù trong đợt này chưa nhận được hỗ trợ số tiền 1,5 triệu đồng nhưng ông Quý lại nhận được tiền hỗ trợ từ chính những người đồng nghiệp sống cùng nhà. 6 người vừa nhận được tiền liền trích ra mỗi người 200.000 đồng chia lại cho ông Quý để trang trải cuộc sống đầy rẫy những khó khăn trước mắt.

Nương tựa nhau để sống

Cách đó chừng vài chục mét, nép sâu bên trong một hẻm nhỏ không đề số và đường vào chỉ chừng nửa mét, hoàn cảnh gia đình bà Lê Thị Thanh Xuân, 1957 khó khăn và éo le hơn cả. Gia đình chỉ có bà Xuân cùng mẹ và người cô đều đã ngoài 90 tuổi. Trong gia đình, bà Xuân là nguồn thu nhập chính, nhờ vào nghề giúp việc.

Tuy nhiên, cũng đã nửa năm nay, bà rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, không có thu nhập ổn định, hằng ngày chỉ đi phụ giúp ngoài chợ để kiếm được vài ba chục nghìn nuôi mẹ già và trang trải qua ngày. Nay dịch bệnh chợ cũng đóng cửa, tất cả nguồn thu dù ít ỏi cũng không còn nữa.

"Nhà chỉ có 3 người nương tựa vào nhau mà sống, nửa năm nay dịch bệnh nên không có ai mướn mình nữa. Thất nghiệp nên làm gì có thu nhập, ăn uống cũng đơn sơ, đâu có dám mua bán gì. Nay mẹ ốm, bệnh già thôi, mấy ngày chữa ở nhà không đỡ nên tôi mới gọi xe đưa bà đi. Chuẩn bị phải đưa bà vô bệnh viện mà giờ không biết chi phí trả thế nào đây"- bà Xuân vừa nói vừa nắm chặt tay người mẹ già đã ngoài 90 tuổi nay đã không còn khả năng nói chuyện. Chị nén lại dòng nước mắt, tủi thân, mỉm cười khi nhận số tiền hỗ trợ của phường.

Nỗ lực để không bỏ sót một ai

Theo rà soát của UBND phường Cầu Kho, tính đến ngày 14.7, địa bàn hiện có 810 trường hợp là lao động tự do, bán vé số, hàng rong, chạy xe ba gác, giao hàng bằng xe thô sơ... được quận đưa thông tin, đã cơ bản duyệt xong và tiến hành trao tiền hỗ trợ. Hiện các tổ dân phố phối hợp với cảnh sát khu vực vẫn tiếp tục lên danh sách, sau đó phường sẽ tiến hành nhanh nhất để xét duyệt.

Bà Trương Thị Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho, Quận 1, TPHCM - cho biết trong thời gian qua, phường đã lên danh sách trao tiền hỗ trợ trong gói 886 tỉ đồng của TPHCM.

"Những ngày vừa qua chúng tôi gấp rút lên kế hoạch giải ngân và trao tiền hỗ trợ cho nhóm 6 đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong địa bàn như người bán vé số, chạy xe ôm truyền thống, người lao động mất việc làm... Mỗi cá nhân trong danh sách sẽ được nhận số tiền là 1,5 triệu đồng. Danh sách nhận tiền hỗ trợ chúng tôi vẫn liên tục cập nhật và bổ sung mỗi ngày để không bỏ sót bất kỳ ai"- bà Thuận cho biết.

Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.

Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.

Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn