MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Phản ứng bất lợi sau tiêm vaccine so với biến chứng khi mắc COVID-19 ở trẻ

Lệ Hà LDO | 27/10/2021 18:05

Các chuyên gia cho rằng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn. 

Bộ Y tế đã lựa chọn vaccine phòng COVID-19 Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất để tiêm cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại nước ta. Đây là vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Tại Việt Nam, chúng ta triển khai theo lộ trình tiêm cho nhóm tuổi 16-17 trước, sau đó hạ dần đến nhóm tuổi 12.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu đã chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên 12, bao gồm cả nhóm trẻ em có bệnh nền.

Về quy trình tiêm vaccine cho trẻ em, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cũng như quy trình tiêm cho người lớn. Cần thực hiện khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định. Đó là các trường hợp liên quan đến phản ứng phản vệ ở mức độ 2. Còn lại các trường hợp khác đều có thể chỉ định tiêm. Một số trường hợp như trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính, béo phì… cần chỉ định tiêm tại Trung tâm y tế hoặc tại bệnh viện giống như đối với người lớn. Việc tiêm chủng cũng được tổ chức theo các điểm tiêm như đang triển khai tiêm cho người lớn.

Với vaccine phòng COVID-19, hiệu quả về tính an toàn và tính sinh miễn dịch cho những người trên 18 tuổi. Trên thế giới hiện tại nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi cũng đang được được các nước tiếp tục chỉ định tiêm. Đối với trẻ em từ 5-12 tuổi, một số nước cũng đã có dữ liệu tiêm.

Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ em trong độ tuổi nhỏ hơn trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.

Hiện Hội đồng tư vấn tiêm chủng quốc gia cũng đã đồng ý chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi, tuy nhiên phải dựa vào dữ liệu an toàn và tính sinh miễn dịch của nhà sản xuất và nhà sản xuất phải khuyến cáo tiêm được cho trẻ em trong độ tuổi đó thì chúng ta sẽ tiêm.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Mặc dù tỉ lệ nhiễm và mắc bệnh ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn, nhưng cũng có đối tượng trẻ em có bệnh lý nền biểu hiện nặng. Tình trạng trẻ mắc viêm cơ tim, suy hô hấp, tử vong đã xảy ra ở trẻ em với tỉ lệ không hề nhỏ và ngay trong đợt dịch tại TP.HCM đã có những trường hợp như vậy. Do đó, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ là cần thiết, đặc biệt với những trẻ có bệnh lý nền cần phải tiêm càng sớm càng tốt vì nguy cơ do bệnh nếu mắc sẽ cao hơn rất nhiều so với không tiêm.

Cũng theo TS.BS Phạm Quang Thái, việc phản ứng bất lợi liên quan đến tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với những biến chứng nếu bị mắc COVID-19. Vì vậy, tiêm vaccine vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em, mặc dù chúng ta còn cần có thêm thời gian đánh giá.

Tỉ lệ trẻ bị viêm cơ tim hoặc các biến chứng do nhiễm virus SARS-CoV-2 tự nhiên nặng hơn, phổ biến hơn vô cùng nhiều so với tỉ lệ viêm cơ tim liên quan đến mũi tiêm vaccine. Ở trẻ tiêm vaccine, tỉ lệ viêm cơ tim khoảng 1/20.000, tức là trong 20.000 trẻ mới có 1 trẻ bị viêm cơ tim.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái: "Nếu trẻ không may bị phản ứng bất lợi liên quan viêm cơ tim do vaccine thì trẻ em lại đáp ứng rất tốt với thuốc điều trị hiện hành. Vì thế, khi viêm cơ tim do vaccine, trẻ vẫn có thể điều trị, hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn