MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT Hà Nội xử lý người vi phạm giao thông. Ảnh: P.Đ

Phân vùng hạn chế xe máy ở Hà nội: Vận tải công cộng ỳ ạch, đi lại ra sao?

Phạm Đông LDO | 09/04/2022 12:05
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng muốn hạn chế xe máy thì trước hết, nguồn lực về phương tiện công cộng phải được đảm bảo.

Câu hỏi cũ, người dân đi bằng gì? 

Chủ trương hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy được Hà Nội quan tâm, bàn thảo từ năm 2016 đến nay. Thời gian qua, Hà Nội đã phê duyệt các đề án hạn chế xe cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng. Gần đây nhất, UBND Thành phố Hà Nội đang đề xuất cấm xe máy từng bước trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và bên trong vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng bắt đầu sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so kế hoạch. 

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, phải phát triển được các phương tiện giao thông công cộng thật tốt thì may ra mới thay đổi được thói quen sử dụng xe máy của người dân.

Vấn đề ở chỗ, ai cũng thấy giao thông ách tắc, nhưng các phương tiện công cộng đều chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển của đại bộ phận người dân. Vì thế trong bối cảnh hiện tại, người dân vẫn thích sử dụng phương tiện cá nhân hơn là các phương tiện công cộng do tính tiện lợi, linh hoạt.

TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông từng có thời gian công tác tại Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cho rằng, nếu chỉ nêu lên chủ trương thì dễ, nhưng tổ chức thực hiện thì cực kỳ phức tạp. Sự cần thiết của chủ trương này ai cũng thấy rõ, bản thân ông cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, những đề xuất của Hà Nội đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn, hiệu quả phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội.

Theo ông, chính sách hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội đã đề cập gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa thấy khả thi. Ông cũng đặt câu hỏi đơn giản nhất là cấm thì người dân đi lại bằng gì, nếu không trả lời được thì không thể cấm nổi xe máy.

Ông nêu rõ, các vấn đề cần giải quyết khi cấm xe máy của Hà Nội là: đặc điểm ngõ, ngách rất dài, dích dắc xe buýt không thể vào sâu, đất dành cho giao thông, cũng như giao thông công cộng tại các quận trung tâm rất thiếu. 

Với những khu đô thị mới mọc lên không theo định hướng sử dụng giao thông, khi cả khu lên tới vài chục nghìn dân chỉ có 1 bến xe buýt nhỏ, hay một con đường gánh quá nhiều chung cư, khu đô thị… đi vào nội đô gửi xe ở đâu, quy mô bãi đỗ xe phải rất lớn, có ùn tắc tại đó không… cần phải tính toán kỹ.

Thực tế, hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá còn hẹp, đường 4 làn xe rộng 20-30 mét còn rất ít. Để cấm được xe máy trước tiên vận tải hành khách công cộng phải ít nhất đảm bảo đáp ứng được 35-40% nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng rất ít nhu cầu đi lại của người dân.

Điều kiện để giảm, dừng hoạt động xe máy

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chủ trương cấm xe máy liên quan nhiều đến người dân hơn thu phí ôtô vào nội đô, vì đến hơn 70% người dân đi xe máy.

“Hà Nội cần có giải pháp để người dân lựa chọn chuyển đổi phương tiện. Đây mới là vấn đề đáng bàn để thuyết phục được người dân, chứ không phải chỉ nêu chủ trương cấm xe máy” - ông Quyền nói.

Hà Nội nên đa dạng phương tiện công cộng loại nhỏ như xe buýt 9, 12, 15 chỗ... giúp người dân đi lại trên các tuyến phố chật hẹp; khuyến khích việc sử dụng xe đạp, đi bộ ở cự ly ngắn như bố trí làn đường riêng cho người đi xe đạp, giữ vỉa hè cho người đi bộ.

Theo ông Quyền, đây không chỉ là giải pháp chống ùn tắc giao thông mà còn nâng cao chất lượng không khí, môi trường và thành phố có thể thí điểm một số khu vực rồi mở rộng dần.

Dưới góc độ quản lý, trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang xây dựng 2 đề án cấm xe máy vào trung tâm tới 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô, theo đó, cấm được xe máy càng sớm càng tốt để giảm ùn tắc và ô nhiễm.

Ông Viện khẳng định, Thành phố chỉ xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, giao thông công cộng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành phố quyết định giảm, dừng hoạt động xe máy.

Theo ông, để triển khai dự án này cần lộ trình và những điều kiện bắt buộc để thực hiện. Chúng ta cần tính tới cơ sở hạ tầng giao thông cũng như điều kiện của phương tiện giao thông công cộng khi quyết định giảm hoặc dừng phương tiện xe máy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn