MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phập phồng viễn cảnh mất Tết vì 6 ngày bán được 15 cây quất

Trang Thiều - Đức Mạnh LDO | 26/01/2022 18:22

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng không khí mua bán quất cảnh vẫn khá ảm đạm, khiến tiểu thương rơi vào nỗi lo mất Tết vì lỗ vốn.

10h30 vẫn chưa mở hàng...

Thời tiết Hà Nội thay đổi, mưa rả rích từ tờ mờ sáng, chị Nguyễn Phúc - lái buôn quất cảnh ngồi co ro trong tấm ô che tạm, mỏi mắt chờ khách ghé mua. Hỏi chuyện mới biết, quất chị bán xuất xứ từ làng quất Tứ Liên (Âu Cơ, Hà Nội), dáng cây đẹp, mầm mẩy, lộc non, chi chít quả.

Quất xếp hàng dài chờ người mua.

Nhìn những chậu quất xếp đều nhau, lúc lỉu quả và hoa, chị Phúc thở dài: "Xung quanh tấp nập người qua lại, mưa cũng ngớt dần nhưng rất ít người dừng chân hỏi mua quất cảnh.

Xác định dịch bệnh phức tạp, người dân có xu hướng giảm chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán nên tôi chỉ lựa bán những cây có giá thành rẻ, dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ấy vậy mà sức mua giảm trông thấy, từ sáng đến giờ tôi chưa bán được cây nào. Năm nay khả năng cao là ế" - nói rồi chị Phúc kể về nỗi khổ của những người trồng quất cảnh năm nay.

"Nhiều chủ vườn đang phập phồng nỗi lo nếm quả đắng vì thất thu vụ Tết. Cả năm trời người nông dân tất bật chọn giống, chăm bón, tỉa lá tỉa cành, đến lúc thu hoạch, giá cả giảm mạnh so với năm trước. Khoản tiền thu về có khi không đủ bù chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu" - chị Phúc nói.

Thương lái “ngóng” người mua khi Tết cận kề.

Hoàn cảnh của chị Phúc cũng không khấm khá hơn, năm nay là năm thứ 4 chị đi buôn quất cảnh. Ngày thường, chị chật vật kiếm đủ kế sinh nhai, lúc thì đi làm công trình, khi thì đi chợ bán rau. Số tiền vất vả kiếm được đều dồn vào việc nuôi 2 con ăn học. Vừa trò chuyện, chị vừa cho chúng tôi xem đoạn tin nhắn đòi lương làm thuê từ tháng 12.

“Có 2 triệu thôi mà đòi mãi họ chưa trả. Với nhiều người có thể là ít nhưng với những người lao động như chúng tôi thì đó là cả cái Tết" - chị Phúc kể.

Nhìn dòng người đi lại tấp nập, phía bên đường đang phát những khúc nhạc đón Tết tưng bừng, chị Phúc thở dài: "Chỉ mong trời thương, bán hết sớm, chứ đến 30 mà ngồi đây thì buồn lắm".

"Năm nay chắc chắn lỗ"

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng quất cảnh vẫn lâm vào tình trạng ế ẩm. Lấy quất từ họ hàng ở Hưng Yên lên Hà Nội bán dịp Tết, anh Bắc (Cầu Giấy, Hà Nội) hy vọng giúp chủ vườn tiêu thụ được một phần sản phẩm, lấy lại vốn chăm bón, vun trồng.

Nhưng tính tổng từ khi mở hàng đến nay là 6 ngày thì chỉ trao tay vỏn vẹn 15 cây. Trong đó, cây to giá 1-2 triệu đồng chỉ bán được 3 cây, còn lại là quất cảnh để bàn giá chỉ hơn 100.000 đồng.

"Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân phải thắt lưng buộc bụng, cân đối chi tiêu, vì vậy sức mua năm nay giảm mạnh. Nếu năm trước, 1 chậu quất cảnh dáng đẹp, quả sai có giá hơn 2 triệu đồng thì năm nay chỉ bán được 900.000 đồng, giảm hơn một nửa. Chắc chắn năm nay lỗ" - anh Bắc nói.

6 ngày chỉ trao tay vỏn vẹn 15 cây quất cảnh.

Thương các cháu đêm đông lạnh buốt phải nằm ngoài đường trông hàng, ông của anh Bắc buồn bã: "Năm nay chắc chắn lỗ, tôi chỉ thương mấy đứa nhỏ đêm lạnh buốt phải nằm đây trông hàng. Đây là năm thứ 3 dọn hàng ra đây bán. Sợ viễn cảnh như năm ngoái, ngày 29-30 Tết phải bán thốc bán tháo với giá rẻ mạt, ai trả bao nhiêu cũng bán".

Nhiều người rơi vào nỗi lo mất Tết vì lỗ vốn.

Với nhiều nông dân, thương lái, vụ quất Tết năm nay có quá nhiều khó khăn. Thay đổi thời tiết bất thường khiến việc chăm bón cây bị ảnh hưởng, chất lượng cây không bằng năm trước, chi phí phân bón tăng, giá bán lại thấp. Tất cả đang phập phồng trước viễn cảnh mất Tết...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn