MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuối năm 2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Ảnh: Hữu Long

Phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực kinh tế từ xã hội cho các dự án cấp bách

Hữu Long LDO | 07/12/2023 06:05

Trong năm 2023, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo phát hành trái phiếu với số tiền 500 tỉ đồng, kỳ hạn 10 năm. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu đợt 1, địa phương sẽ dành để thực hiện 3 dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Huy động hàng nghìn tỉ đồng từ phát hành trái phiếu

Ông Nguyễn Thanh Hà - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa - xác nhận địa phương vừa công bố thông tin về tổ chức đấu thầu phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa năm 2023 vào ngày 8.12.2023 với khối lượng 500 tỉ đồng trên hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Trước đó vào cuối năm 2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết về đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Khối lượng phát hành tối đa trái phiếu trong năm 2023 là 1.000 tỉ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính chỉ đồng ý để địa phương này phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu.

Ông Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm, đến nay địa phương đã phát đi 2 thông báo liên quan đến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để các tổ chức tín dụng nắm bắt và có nhu cầu đăng ký mua theo quy định.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - giải thích về căn cứ để địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Theo đó, sau khi Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55 năm 2022 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó, cho địa phương được tăng mức dư nợ là không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Từ cơ sở này, địa phương đã phát hành trái phiếu nhằm tạo nguồn lực để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo việc làm cho người dân.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ở Khánh Hòa đánh giá, việc triển khai phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là giải pháp cần thiết để huy động nguồn lực kinh tế từ xã hội, đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách trên địa bàn.

Xây dựng nhiều dự án trọng điểm

Theo ông Lê Hữu Hoàng, đợt 1 phát hành trái phiếu để thực hiện 3 dự án trọng điểm của địa phương. Đó là dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) số tiền 300 tỉ đồng; đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh số tiền 100 tỉ đồng; nâng cấp mở rộng Cải tuyến Tỉnh lộ 1B (đoạn từ nút giao Quốc lộ 26B đến nút giao Tỉnh lộ 1) số tiền 100 tỉ đồng.

Từ cơ sở thành công trong việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương lần này, tỉnh Khánh Hòa hiện đang xây dựng đề án phát hành trái phiếu trong năm 2024 với tổng số tiền hơn 855 tỉ đồng, kỳ hạn 10 năm. Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh để phê duyệt đề án nói trên trước khi triển khai trong thực tế.

Nếu được thông qua, tỉnh Khánh Hòa sẽ dành toàn bộ số tiền 855 tỉ đồng để xây dựng đường giao thông Liên vùng huyện Diên Khánh; nâng cấp cải tạo Tỉnh lộ 1B; Chỉnh trị hạ lưu sông tắc; dự án tái định cư ở huyện Vạn Ninh (mỗi dự án đều có vốn 100 tỉ đồng); đường ven biển xã Vạn Lương từ huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa (250 tỉ đồng); nâng cấp Quốc lộ 26B (120 tỉ đồng) và đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành tuyến cuối của khu vực (50 tỉ đồng).

Trái phiếu chính quyền địa phương không phải sản phẩm mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường mà đã có từ năm 2003 với các địa phương tiên phong như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai... Theo ông Nguyễn Đình Duy - chuyên gia chứng khoán, trái phiếu này thường được sử dụng để đầu tư cho một số lĩnh vực ở địa phương, UBND tỉnh để tiến hành đầu tư. Đây là nguồn bổ sung ngân sách cho địa phương và sẽ sử dụng nguồn ngân sách từ địa phương chi trả cho khoản gốc, lãi của trái phiếu.

"Nhìn chung đây là sản phẩm tài chính cá nhân bình thường giống như trái phiếu chính phủ, đơn vị phát hành cấp địa phương, xét về cấp độ uy tín sẽ không cao bằng trái phiếu chính phủ" - ông Duy cho biết.

Các chuyên gia khác cho rằng, việc trao quyền tự chủ cho các địa phương huy động vốn đầu tư nói chung và phát hành trái phiếu nói riêng trên cơ sở giảm sự phụ thuộc và nguồn tài trợ từ Ngân sách Trung ương là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khuyến nghị này sẽ không dành cho các địa phương có năng lực tài khóa yếu kém và thiếu các cơ sở thuế bền vững bởi sẽ xuất hiện vấn đề liên quan đến nợ đọng xây dựng.

Đức Mạnh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn