MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cá thể trăn đất vừa được phát hiện ở Vườn quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long

Phát hiện cá thể trăn đất quý hiếm tại Vườn quốc gia Bái Tử Long

Nguyễn Hùng LDO | 27/11/2023 09:08

Quảng Ninh - Trong đợt giám sát các động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, đoàn giám sát đã phát hiện một cá thể trăn đất quý hiếm. Đây là loài bò sát thuộc diện nguy cấp cần được bảo vệ.

Thông tin từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long hôm nay (27.11) cho biết, trong đợt giám sát động vật hoang dã đợt 4 năm 2023, vào sáng ngày 22.11.2023, đoàn giám sát động vật hoang dã đã phát hiện 1 cá thể trăn đất (Python molurus). Qua quan sát, có thể nhận thấy cá thể trăn đất có chiều dài khoảng 2,5m và trọng lượng ước tính khoảng 20kg đang di chuyển nhanh vào rừng rậm.

Trăn đất là loài bò sát có số lượng loài ngày càng suy giảm ngoài tự nhiên. Đây là loài thuộc nhóm IIB, được quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo phân hạng về tình trạng bảo tồn, trăn đất được phân hạng CR - mức rất nguy cấp tại Sách đỏ Việt Nam 2007 và NT – mức sắp bị đe doạ tại Danh lục đỏ IUCN 2008.

Được biết trước đó, Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng đã từng ghi nhận một cá thể trăn đất lớn, với chiều dài ước khoảng 5m và trọng lượng khoảng 60kg. Hằng năm, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đều tiến hành giám sát các loài động vật hoang dã đang sinh sống trong Vườn quốc gia để đánh giá thực trạng phân bố và mức độ đa dạng sinh học làm cơ sở xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng đa dạng sinh học Vườn Quốc gia.

Vườn quốc gia Bái Tử Long là một trong 7 vườn quốc gia của cả nước, có tổng diện tích 15.780ha, trong đó, diện tích đảo nổi 6.125ha, với hơn 80 hòn đảo và 9.658ha mặt nước biển.

Vườn quốc gia Bái Tử Long có 6 hệ sinh thái rừng biển cơ bản bao gồm: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng bãi triều, hệ sinh thái vụng, hang động, hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới. Đặc biệt, nơi đây còn có một số loài quý hiếm có giá trị bảo tồn về khoa học và giá trị kinh tế cao, như: Lim, lát hoa, trai lý, ba kích, khỉ vàng, san hô, bào ngư, sá sùng, ngán, rùa biển...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn