MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đơn vị tư vấn du học trái phép trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh: QĐ

Phát hiện hàng loạt đơn vị xuất khẩu lao động vi phạm

QUANG ĐẠI LDO | 10/02/2020 12:25
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra các doanh nghiệp, công ty, tổ chức, cá nhân và đã phát hiện 17 doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép và 16 đơn vị tư vấn du học “chui”. Mặc dù sai phạm như vậy nhưng vẫn chưa có đơn vị cụ thể nào phải đứng ra chịu trách nhiệm.

Hoạt động không có giấy phép

Ngày 9.2, thông tin từ Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết, đoàn liên ngành của tỉnh Nghệ An vừa kiểm tra 80 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn, phát hiện nhiều đơn vị vi phạm.

Cụ thể, đoàn phát hiện 17 đơn vị hoạt động trên lĩnh vực này nhưng không có giấy phép. Có 21 đơn vị đang tạm dừng hoạt động, đóng cửa hoặc chuyển địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý. 2 đơn vị không cung cấp tài liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Một đơn vị đặt biển quảng cáo có nội dung sai giấy phép hoạt động như: Không có chức năng hoạt động xuất khẩu lao động nhưng vẫn quảng cáo xuất khẩu lao động hoặc chỉ có chức năng dịch vụ việc làm nhưng treo biển quảng cáo trực tiếp xuất khẩu lao động.

2 đơn vị không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhưng vẫn hoạt động trên lĩnh vực này hoặc giấy đăng ký kinh doanh không đúng với địa chỉ thực tế của công ty. Có 4 đơn vị hoạt động không hiệu quả, điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động không đảm bảo theo quy định. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh phối hợp với sở LĐTBXH, Sở GDĐT Nghệ An kiểm tra 82 đơn vị có hoạt động tư vấn du học trên địa bàn, phát hiện 16 đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học, chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động. 8 đơn vị có đội ngũ nhân viên chưa đủ điều kiện theo quy định hiện hành; 4 đơn vị hoạt động không đúng với địa chỉ đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tạm dừng hoạt động không báo cáo cơ quan quản lý. Có 14 đơn vị treo biển quảng cáo sai chức năng cấp phép.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời câu hỏi để nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động “chui” trên địa bàn, trách nhiệm thuộc về ai, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn Lao động Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An - cho biết: “Cán bộ cơ quan Sở LĐTBXH rất ít, không thể bao quát địa bàn. Để xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu lao động không có giấy phép, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn”. Ông Hùng cho biết hiện cơ quan chức năng đang tiến hành biện pháp xử phạt hành chính và các chế tài liên quan đối với các đơn vị xuất khẩu lao động “chui”.

Về hiện tượng các đơn vị tư vấn du học nhưng thực chất là một dạng xuất khẩu lao động trá hình dẫn đến nhiều hệ lụy, ông Trần Phi Hùng cho biết đã nắm bắt được hiện tượng này. “Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi, khuyến cáo với các cán bộ trong ngành, người dân cần suy nghĩ, cân nhắc thận trọng khi đi du học, không nên chỉ nhìn một phía, tin theo tương lai thuận lợi mà các tư vấn viên nêu ra” - ông Hùng nói.

GS-TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An - cũng bức xúc trước tình trạng một số đơn vị tư vấn du học tìm cách lôi kéo học viên đi nước ngoài du học, nhưng thực chất là một hình thức xuất khẩu lao động. “Đây là tình trạng “dở dơi dở chuột”, vì bản thân các em này không đủ năng lực du học, mà tìm cách ra nước ngoài dưới vỏ bọc du học để làm thêm. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm tình trạng này”- ông Thái Văn Thành nói.

Tuy nhiên, trong các giải pháp mà cơ quan chức năng nêu ra, vẫn dừng lại xử lý về mặt kỹ thuật, thủ tục chứ chưa xử lý, ngăn chặn được bản chất của việc “tư vấn du học” để đưa người ra nước ngoài lao động. Cơ quan chức năng vẫn tiếp tục khuyến cáo người lao động, học sinh và gia đình cần tìm hiểu sâu, toàn diện, cân nhắc kỹ trước khi xuất khẩu lao động hay du học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn