MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trang trại nuôi heo trái phép tồn tại ở Khánh Hòa trong nhiều năm qua. Ảnh: Hữu Long

Phát hiện nhiều trang trại xây lụi, nuôi hàng nghìn con heo mỗi năm ở Khánh Hòa

Hữu Long LDO | 14/05/2024 11:43

Khánh Hòa - Nhiều trang trại chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, sử dụng đất không đúng mục đích, nhưng nuôi tới hàng nghìn con heo mỗi năm. Việc nuôi heo tự phát gây ô nhiễm môi trường nhưng địa phương chậm xử lý.

Ngày 14.5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến kết quả xử lý các trang trại nuôi heo trái phép trên địa bàn tỉnh.

Loạt trại chăn nuôi xây trái phép

Qua kiểm tra riêng địa bàn huyện Vạn Ninh, cơ quan chức năng phát hiện có 3 hộ chăn nuôi heo theo hình thức trang trại. Những hộ này chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và không đúng mục đích sử dụng.

Đáng chú ý, quy mô nuôi của các hộ này lên đến hàng nghìn con heo mỗi năm và hoạt động trong thời gian dài.

Hộ ông Huỳnh Tấn Toàn chăn nuôi heo ở thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ (1.212m2), quy mô 200 con/năm; ông Nguyễn Đình Thông chăn nuôi heo tại Núi Hòn Chùa, xã Vạn Bình (30.170 m2), quy mô từ khoảng 3.000 con/năm, diện tích khu chuồng chăn nuôi khoảng 3.400m2; ông Nguyễn Văn Thích đang chăn nuôi heo tại núi Hòn Chùa, xã Vạn Bình (10.543m2), quy mô 300 con/năm.

Cả 3 hộ này đều xây trang trại trên hiện trạng đất là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất.

Còn tại huyện Diên Khánh có 25 trang trại chăn nuôi heo gia công, 23 trang trại đã lập hồ sơ môi trường theo quy định.

Qua rà soát, huyện Diên Khánh ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính đối với 4 trang trại chăn nuôi heo vì có hành vi không rà soát công trình, thiết bị xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm.

Tổng số tiền xử phạt 4 trang trại này là 115 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Đồng thời, huyện yêu cầu các trại chăn nuôi không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phải ngưng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp là đất chăn nuôi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước ngày 1.1.2025.

Trang trại nuôi heo trái phép của hộ ông Nguyễn Văn Dũng tại thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Hữu Long

Địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chăn nuôi trái phép

Được biết, việc tổng rà soát các trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh được thực hiện sau khi báo chí phản ánh tình trạng một trại heo “khủng” xây trái phép trên địa bàn thị xã Ninh Hòa.

Trang trại nuôi heo của ông Lê Văn Dũng (SN 1971, trú TP Nha Trang) được xây dựng từ tháng 12.2022, đến nay cơ bản đã hoàn thành và thực hiện chăn nuôi khoảng 400 con heo giống theo mô hình khép kín.

Toàn bộ đất làm trang trại này được ông Dũng mua của nhiều người dân địa phương, hiện đã xây dựng trên diện tích hơn 5.987m2.

Quan điểm của tỉnh Khánh Hòa là không cho để “phạt cho tồn tại” đối với trại heo của ông Lê Văn Dũng. Ảnh: Hữu Long

Trang trại này chưa có giấy phép môi trường và xây dựng trái phép trên đất rừng được quy hoạch trồng rừng sản xuất. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi heo được xả trực tiếp ra các hồ chứa, không qua hệ thống xử lý, còn phân heo được thu gom và vận chuyển đi nơi khác, không xả trực tiếp ra hồ...

Cuối năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã yêu cầu không cho để “phạt cho tồn tại” trại heo xây trên đất rừng của ông Lê Văn Dũng. Ngoài ra, UBND thị xã Ninh Hoà đã xử phạt ông Dũng hơn 20 triệu đồng về hành vi huỷ hoại đất và đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt ông này 160 triệu đồng về hành vi nuôi heo không có giấy phép môi trường.

Liên quan đến tình trạng chăn nuôi heo trái phép trên địa bàn, vào ngày 9.5.2024, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các trang trại nuôi heo.

Trong đó lưu ý các công trình, thiết bị xử lý chất thải phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên kiểm tra xử lý các vi phạm (nếu có); buộc ngưng hoạt động hoặc hướng dẫn chủ cơ sở di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp nếu các trang trại nuôi heo không đảm bảo theo quy định về quy hoạch đất đai, quản lý bảo vệ rừng, môi trường, trật tự xây dựng.

Ông Trần Hòa Nam cũng nhấn mạnh, các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn quản lý, ảnh hưởng đến môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn