MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình “Vui - Khỏe - Có ích” trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

Phát thanh, truyền hình với công tác thông tin tuyên truyền về người cao tuổi năm 2021

Thuỳ Dương LDO | 20/12/2021 11:56

Công tác thông tin tuyên truyền về người cao tuổi được Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm, chủ động triển khai. Phương tiện thông tin đại chúng trong đó có hệ thống các đài phát thanh, truyền hình (PTTH) góp phần vào công tác thông tin tuyên truyền về người cao tuổi. Với các chuyên mục, chuyên đề, đề tài phong phú, hình thức thể hiện đa dạng và diện phát sóng rộng trải khắp các đài PTTH từ trung ương đến địa phương đã phản ánh được nhiều khía cạnh, lĩnh vực liên quan đến người cao tuổi, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi.

Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, các Đài PTTH vẫn đảm bảo việc thực hiện xuyên suốt các chuyên mục chuyên biệt về người cao tuổi. 

Trong năm 2021, các Đài PTTH trung bình đã tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình khoảng 60 tin, 50 bài, phóng sự/năm; mỗi tháng có 01 chuyên mục truyền hình, chuyên mục phát thanh…tuyên truyền, thông tin liên quan đến người cao tuổi. Các chương trình “Tuổi cao gương sáng” phát sóng hàng tuần trên kênh VTV1 định kỳ với 15 phút/1 chương trình; chương trình “Sống khỏe mỗi ngày” với thời lượng 45 phút/chương trình và chương trình “Sống vui” với thời lượng 10 phút/chương trình trên kênh VTV2; chương trình “Vui khoẻ có ích” phát sóng hàng tuần trên kênh VTV3 với thời lượng 45 phút/chương trình  và chương trình “Trà chiều” với thời lượng 30 phút/chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Các chương trình phục vụ đối tượng là người cao tuổi trên sóng các Đài PTTH địa phương như: chương trình “Cây cao bóng cả” trên Đài PTTH Yên Bái; Chương trình “Tạp chí văn hóa văn nghệ người cao tuổi” trên Đài PTTH Hà Tĩnh; Chương trình “Niềm vui tuổi già” phát sóng trên Đài PTTH Bắc Ninh; Chương trình “Sống vui - Sống khỏe” trên Đài PTTH Phú Thọ; Chương trình “Người cao tuổi” trên Đài PTTH Tiền Giang. Chương trình “Sống vui - Sống khỏe” trên Đài PTTH Sơn La. Chương trình “Gương sáng người cao tuổi” trên Đài PTTH Điện Biên.

Các chương trình dành cho người cao tuổi được lồng ghép trong các tạp chí, chuyên mục: Văn hóa xã hội, Đại đoàn kết toàn dân, Xây dựng nông thôn mới và các bản tin thời sự của Đài PTTH Bắc Ninh; các chuyên đề, chuyên mục như “Dân số và Hạnh phúc”, “Chuyện cùng bác sĩ”, “Cựu chiến binh”, “Đại đoàn kết” của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh.

Các chương trình phát sóng trên các Đài PTTH thực sự là món ăn tinh thần dành cho những người cao tuổi, tạo niềm tin cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, là diễn đàn để người cao tuổi trò chuyện, bày tỏ quan điểm của mình và nêu được những ý kiến của người cao tuổi trong chương trình còn là kinh nghiệm sống, bài học quý báu đối với lớp người trẻ tuổi; hay các chương trình tuyên truyền kịp thời tấm gương cá nhân, tập thể người cao tuổi có việc làm thiết thực, thúc đẩy các phong trào thi đua ở địa phương như người cao tuổi vận động nhân dân hiến đất mở đường, người cao tuổi tham gia giám sát cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi kết hợp với cựu chiến binh tham gia các tổ tự quản chống họp chợ cóc, chợ tạm, người cao tuổi tham gia đảm bảo an toàn giao thông tại đường sắt vào giờ cao điểm;,…tiếp tục là những chuyên mục, chương trình được đầu tư, đặc biệt là nhóm khán, thính giả người cao tuổi đón nhận, coi là “món ăn tinh thần không thể thiếu của người cao tuổi”. 

Ngoài ra, nội dung tuyên truyền về người cao tuổi còn được các Đài PTTH cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử và fanpage của Đài. Các tin, bài, phóng sự này còn được một số Đài thực hiện tuyên truyền bằng tiếng dân tộc như:  Đài PTTH Sơn La tuyên truyền bằng tiếng Thái, tiếng Mông; Đài PTTH Hà Giang tuyên truyền bằng tiếng Tày, Mông, Dao. Đài PTTH Gia Lai bằng tiếng Bahnar, Jrai,…   

Những đổi mới tích cực trong các hoạt động tuyên truyền của các Đài PTTH cả về nội dung, phương pháp, đối tượng, thời điểm mang lại nhiều hiệu quả thực chất trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội về vấn đề người cao tuổi, thu hút sự quan tâm và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong công tác người cao tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn