MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mục tiêu phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững cần được quan tâm. Ảnh minh họa: Hữu Chánh

Phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững

Nhóm PV LDO | 21/05/2024 20:21

Trong quá trình đô thị hóa ở mỗi nước và nhất là với Việt Nam, công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật nói chung, hệ thống giao thông nói riêng luôn được quan tâm và xác định là khâu cần đột phá trong quy hoạch. Đối với các đô thị lớn có quá trình lịch sử phát triển thì hệ thống giao thông luôn có đặc thù, cần nhận diện đầy đủ và có giải pháp đột phá để đô thị phát triển bền vững.

Giao thông đô thị và những gam màu sáng - tối

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quá trình đô thị hóa với nhiều thành tựu đã tạo nên diện mạo tươi sáng cho các đô thị ở nước ta thời gian qua, tạo ra nhiều thay đổi lớn về cảnh quan môi trường, mức sống dân cư, cơ sở hạ tầng… trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đã có những cải thiện đáng kể.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống giao thông đô thị là hệ thống quan trọng nhất trong các loại hạ tầng kỹ thuật đô thị, nó đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa từ nơi này đến nơi khác trong đô thị hoặc vận chuyển hành khách và hàng hóa từ đô thị này đi đến các nơi khác. Hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ khung cấu trúc đô thị và có vai trò định hướng cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

Tuy nhiên, giao thông trong đô thị cũng là một thách thức đối với các thành phố lớn. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và cơ sở hạ tầng quy hoạch lỗi khiến cho việc di chuyển trong các thành phố trở thành một vấn đề nan giải, khó xử lý.

Tình trạng ùn tắc ở Hà Nội ngày càng trầm trọng. Ảnh minh họa: Tô Thế

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, thực tế cho thấy trong quá trình phát triển đô thị, nước ta đã tiếp cận được với xu thế hiện đại của giao thông trên thế giới, như đường sắt đô thị, đường trên cao với việc áp dụng công nghệ mới trong quản lý, hay mạng lưới giao thông đã chú ý tới liên kết khu vực, liên kết vùng và cả quốc gia.

"Quá trình phát triển hệ thống giao thông đô thị ở các thành phố lớn đã đạt được những thành tựu tích cực, song cũng bộc lộ một số tồn tại, như mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số; cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý, phương tiện cá nhân tăng quá mức dự kiến. Ngoài ra, chúng ta chưa có chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng mạng đường giao thông, bến, bãi đỗ xe...", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT, 2 đô thị đặc biệt của nước ta, là Hà Nội và TPHCM đóng góp tới 30 - 40% GDP. Tuy nhiên, riêng vấn nạn ùn tắc đã gây thiệt hại cho 2 thành phố này hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm.

"Chúng ta không thể để bị “nghẽn” “tắc” mãi, mà chiến lược và tầm nhìn giao thông đô thị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải coi giao thông đô thị là yếu tố “đi trước”, nó cũng quan trọng và quyết định không khác gì “chiến lược đường cao tốc” hiện nay, đó là vấn đề mang tầm cỡ quốc gia chứ không chỉ riêng cho khu vực đô thị.", TS. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Tìm giải pháp thiết thực và hiệu quả trong phát triển giao thông đô thị

Hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn, như Hà Nội và TPHCM. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỉ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông,... Tuy nhiên, việc triển khai các dự án trên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Thạc sĩ Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, để hoàn thành 200km đường sắt đô thị cho mỗi TP Hà Nội và TPHCM theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là một nhiệm vụ bất khả thi nếu không kết hợp phát triển các đô thị TOD dọc theo các nhà ga của hệ thống Metro, và với một cơ chế quản lý đặc thù vượt trội hoàn toàn so với các quy định hiện hành.

Lượng khách trên tuyến đường sắt đô thị 2A, Cát Linh - Hà Đông có xu hướng tăng. Ảnh minh họa: Tô Thế

Nhìn nhận vào thực tế, Đại diện BQL Đường sắt đô thị TPHCM cho hay, sau khoảng 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TPHCM vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào chính thức khai thác thương mại. Nếu chúng ta cứ tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian 20 năm qua thì có thể hàng trăm năm nữa cũng không thực hiện xong hệ thống đường sắt đô thị.

Còn theo GS. TS. Lê Hùng Lân - Khoa Điện-Điện tử, trường ĐH Giao thông vận tải, khi tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số ở các thành phố tăng mạnh sẽ đặt gánh nặng lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng tại các đô thị, trong đó có giao thông, môi trường, y tế. Tuy nhiên để hợp lý hóa lưu lượng và tìm giải pháp cho dân số tăng ở các thành thị không phải là một nhiệm vụ đơn giản.

Nhằm nhìn rõ thực trạng, tìm những giải pháp phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị”. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông. Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị” sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 9h ngày 22.5.2024 trên Lao Động điện tử (www.laodong.vn) và Fanpage của Báo Lao Động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn