MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tương lai huyện Củ Chi (TPHCM) sẽ được lên quận hoặc thành phố. Ảnh: Minh Quân

Phát triển không gian phía Tây Bắc TPHCM

MINH QUÂN LDO | 21/03/2022 08:36
Dự kiến đầu tháng 4 tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị kêu gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Củ Chi và Hóc Môn với tổng mức đầu tư hơn 285.000 tỉ đồng (tương đương 12,4 tỉ USD). Trong bối cảnh quỹ đất trung tâm TPHCM ngày càng cạn kiệt và tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng thì phía Tây Bắc là không gian phát triển phù hợp cho TPHCM trong tương lai.

Quỹ đất dồi dào

TPHCM một thời gian dài phát triển về phía Đông và phía Tây Nam bởi lẽ đây là tuyến giao thông huyết mạch quốc gia nối TPHCM với các cụm công nghiệp lớn ở Đồng Nai, Bình Dương, cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) và với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, hướng Tây Bắc kết nối sang Campuchia - nơi chưa phải thị trường lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay so với nhiều năm trước đã khác khi dân số tăng, khu vực phía Tây Nam và phía Đông quỹ đất ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, phía Tây Bắc có quỹ đất lớn. Cụ thể, diện tích của toàn bộ 16 quận và Thành phố Thủ Đức cộng lại mới bằng hơn 90% diện tích đất hai huyện Hóc Môn, Củ Chi (49.382ha so với 54.439ha).

Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp (KCN) như KCN Tây Bắc - Củ Chi rộng 387ha; KCN Đông Nam rộng 342,5ha, KCN Tân Phú Trung 542ha, KCN Cơ khí ôtô rộng 100ha... với hơn 1.000 doanh nghiệp. Đây là tiềm năng để huyện thu hút FDI.

Ngoài các khu công nghiệp, trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn còn phần lớn đất nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng lúa, bắp và các loại hoa màu khác.

Ông Nguyễn Quyết Thắng cho biết, Củ Chi có nguồn lực đất đai kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao. Củ Chi phải thu hút được nguồn lực, nâng cao giá trị khai thác đất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch.

Trong khi đó, ông Trần Văn Khuyên - Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết, huyện còn khoảng hơn 5.000ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 48% diện tích tự nhiên) được quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa sử dụng (quy hoạch “treo”, không khả thi). Đây là nguồn lực, tài sản rất quý của Hóc Môn, cũng là một trong những tiền đề cho bước đường phát triển trong tương lai. Huyện cũng có sẵn 23 vị trí đất để phát triển dự án lâu dài ở Hóc Môn theo hướng đô thị mới văn minh, hiện đại, sinh thái…

Làm gì để thu hút nhà đầu tư?

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, hiện các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi và Hóc Môn) đã phủ kín. Thế nhưng, sau nhiều lần TPHCM kêu gọi, các nhà đầu tư vẫn không mặn mà.

Nguyên nhân là thời gian qua, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã thu hút hết nguồn lực. Phía Tây Bắc chỉ có quốc lộ 22 là đường huyết mạch kết nối giao thông với trung tâm, các dự án giao thông khác mới chỉ là tên gọi. Hạ tầng thiếu thốn nên không hấp dẫn được nhà đầu tư.

Bí thư huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng nhìn nhận, dù huyện có nhiều Khu công nghiệp nhưng hạ tầng bên ngoài chật hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi. Các trục đường chính hiện nay như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... đã quá tải, kém an toàn.

Theo ông Thắng, hiện TPHCM đang thúc đẩy khép kín đường Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, khởi động đường ven sông Sài Gòn. Đây là những điểm nhấn về giao thông, nếu được đầu tư sẽ giảm bớt ùn tắc các tuyến đường, tạo sự liên kết vùng.

Bên cạnh hạ tầng giao thông kém phát triển, công tác quản lý đất đai là một trong những điểm nghẽn trong thu hút nhà đầu tư ở hai huyện Học Môn và Củ Chi. Bí thư huyện Củ Chi cho biết, thêm, huyện này đang cố gắng khắc phục, hạn chế thấp nhất việc phân lô bán nền nhỏ lẻ, không kết nối với các hạ tầng kỹ thuật, tạo ra những khu dân cư nhếch nhác. Quỹ đất nông nghiệp của huyện cũng sẽ chuyển đổi một phần sang phát triển công nghiệp công nghệ cao vì sản xuất nông nghiệp truyền thống không có sản lượng cao.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, trước đây, TPHCM muốn phát triển nhanh nên chọn trục phát triển hướng Đông và hướng Đông Nam ra biển. Tuy nhiên, 10 năm qua, vấn đề biến đổi khí hậu nổi lên, trái đất nóng dần, nước biển dâng, TPHCM sẽ là một trong những địa phương bị đe dọa nặng nề nhất bởi nguy cơ này.

Trong khi đó, khu vực Tây Bắc TPHCM có cao độ so với mặt nước biển khoảng 15m. Về địa chất, khu vực Tây Bắc là đất phù sa cổ nên kết cấu tốt hơn các vùng ven biển. Đây là hai điều kiện tự nhiên thuận lợi cho thấy phát triển theo hướng Tây Bắc là phù hợp và bền vững trong tương lai. “Phát triển Khu đô thị Tây Bắc còn giúp tái bố trí dân cư TPHCM hợp lý hơn, không còn tập trung ở trung tâm và ven biển” - ông Châu phân tích.

Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cho biết các dự án kêu gọi đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn gồm: Hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và văn hóa - thể thao.

Tại hội nghị cũng sẽ diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ đầu tư gồm 16 dự án đăng ký với tổng giá trị 54.094 tỉ đồng. Cụ thể, một số dự án sẽ được ký kết như: Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ đầu tư khu dân cư 6-4 tại khu đô thị Tây Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỉ đồng; Tập đoàn Surbana Jurong đầu tư khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn tại xã Trung An (Củ Chi) tổng mức đầu tư 25.300 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Văn Lang với dự án Khu đô thị đại học mức đầu tư 15.000 tỉ đồng; Công ty TNHH Aeon Việt Nam với hệ thống thương mại; Tập đoàn Consumer với nhà máy giết mổ gia súc và hệ thống phân phối…

* Việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi cũng là lời hứa của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại biểu Quốc hội TPHCM với cử tri của thành phố từ giữa năm ngoái. Tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là khởi đầu cho bước đi chiến lược, lâu dài và liên tục với tầm nhìn mở rộng không gian chiến lược phát triển, đưa Hóc Môn và Củ Chi thành động lực, cực phát triển mới của thành phố trong tương lai gần. Trong đó, lợi ích lâu dài của người dân được đặt ở vị trí trung tâm.M.Q


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn