MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Chanh Đô Ra - dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng với mô hình nuôi rắn thương phẩm. Ảnh: Phương Anh

Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc

PHƯƠNG ANH LDO | 23/12/2023 07:13

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thông qua các chính sách này đã tạo nền tảng phát triển kinh tế và giảm nghèo ở các địa phương vùng đồng bào DTTS, trong đó có các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc

Tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, trong đó DTTS chiếm trên 35%. Tỉnh có 63/109 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS. Thời gian qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành.

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 115 hộ, nhà ở cho 1.720 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.532 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 873 hộ, triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng, duy tu bảo dưỡng 167 công trình cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ... Qua đó, đã có hàng nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc được thụ hưởng.

Anh Chanh Đô Ra - một hộ Khmer ở xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: “Thời gian qua được địa phương hỗ trợ cho tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế nhờ vậy vượt gia đình có điều kiện khó vươn lên thoát nghèo”.

Hay tại TP Cần Thơ, hiện có khoảng 9.895 hộ đồng bào DTTS, chiếm tỉ lệ 3,04% tổng dân số. Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, thành phố đầu tư xây dựng 3 khu dân cư cho đồng bào DTTS tại huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn, với tổng số 238 nền và bố trí cho 177 hộ, kinh phí thực hiện gần 32,6 tỉ đồng. Hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho 2.600 hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên với tổng số vốn hơn 72,3 tỉ đồng. Qua đó, đời sống đồng bào DTTS ngày thêm khởi sắc.

Cần thêm nhiều giải pháp

Theo ông Sơn Phước Hoan - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thời gian qua mặc dù có nhiều chính sách ưu tiên nhưng kinh tế - xã hội và việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS vẫn gặp số khó khăn, hạn chế như việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thiếu đồng bộ; việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội ở các cấp, nhất là cấp cơ sở còn nhiều bất cập...

Tiến sĩ Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV - gợi ý, các địa phương cần chú trọng phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc, sư sãi để phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện tốt các phong trào của địa phương. Đồng thời tuyên truyền để đồng bào dân tộc phát huy ý thức thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào chính sách mà phải tự lực, tự cường vươn lên.

Ông Lý Rô Tha - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng - cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Và làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả...

Đồng bào DTTS tại ĐBSCL hiện nay sinh sống đan xen với dân tộc Kinh ở 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm... chiếm gần 7,6% dân số toàn vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn