MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ ngành BHXH tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới người dân. Ảnh: BHXH

Phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong thời điểm dịch bệnh

Đức Minh LDO | 22/07/2021 08:00
Theo BHXH Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng như đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

16,17 triệu người tham gia BHXH

Ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, trước những khó khăn, BHXH Việt Nam đã kịp thời giao kế hoạch, chỉ tiêu cho BHXH các tỉnh, thành phố; sửa đổi, đơn giản hóa các quy định, quy trình liên quan công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; hằng tháng duy trì tổ chức hội nghị trực tuyến công tác thu để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương; mở rộng hệ thống đại lý thu…

Với những giải pháp quyết liệt, tính đến hết tháng 6.2021, cả nước đã có 16,17 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 1,17 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 3,01% so với năm 2020; 87,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89,63% dân số. Về số thu, toàn ngành thu đạt 45,23% kế hoạch được Chính phủ giao, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2020…

“Trong bối cảnh nhiều khó khăn, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn có những điểm sáng nhất định. Theo đó, 10 tỉnh, thành đạt tỉ lệ thu cao nhất, như Tuyên Quang (52,31%), Quảng Ngãi (49,61%), Lai Châu (48,59%), Đồng Tháp (48,5%), Bình Phước (48,42%), Thanh Hóa (48,41%), Vĩnh Phúc (48,35%), Nghệ An (48,27%), Hưng Yên (48,16%), Điện Biên (48,01%)” - ông Hào cho hay.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nhìn chung, tốc độ gia tăng người tham gia BHXH bắt buộc còn chậm, tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng và tỉ lệ nợ BHXH, BHYT còn cao. Nguyên nhân một phần là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong một số KCN, làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN và đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, còn do BHXH một số địa phương chưa quyết liệt triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; chưa kịp thời tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đại lý thu.

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác truyền thông, vận động tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, do thực hiện Quyết định số 861-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, số tham gia BHYT giảm do nhiều người không còn được NSNN hỗ trợ đóng.

Để vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2021, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ BHXH, BHYT trong những tháng cuối năm.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành; tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã đề ra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra chuyên ngành và kiểm tra cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử, chú trọng khai thác CSDL của ngành để phân tích, đánh giá; tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị, DN có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn