MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát triển nông nghiệp, du lịch ở Đắk Nông gắn chặt với bảo tồn văn hoá

Nhóm PV LDO | 19/11/2023 10:00

Đắk Nông - Tiềm năng về nông nghiệp và dư địa để phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông vẫn còn rất lớn nhưng những năm qua, cơ quan chức năng và doanh nghiệp tại địa phương vẫn chưa khai thác triệt để.

Nhiều dư địa nhưng chưa phát triển đúng tầm

Ngày 19.11, ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh thông tin, địa phương đang có 60 sản phẩm OCOP của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận.

Trong đó, tỉnh có 7 sản phẩm 4 sao, 53 sản phẩm 3 sao và có 2 sản phẩm đang đề nghị cấp chứng nhận sản phẩm 5 sao (sản phẩm quốc gia).

Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông phát biểu. Ảnh: Bảo Trung

Một số sản phẩm OCOP nổi bật của địa phương có thể kể đến như Cà phê Rừng Lạnh, Cà phê Thành Thái; Mắc ca Sachi Thịnh Phát; Sầu riêng Gia Trung; Măng cụt Gia Ân; Bơ Núi lửa; Cam quýt Quảng Phú; Hạt điều Hồng Đức...

Tuy nhiên, khi nhìn nhận thực trạng còn hạn chế của ngành nông nghiệp tỉnh, ông Tuấn Anh chia sẻ thẳng thắn: Nông nghiệp tỉnh đa dạng về sản phẩm nhưng mới dừng ở năng suất, sản lượng. Doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung theo chuỗi ngành hàng. Toàn bộ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tiêu thụ dưới dạng sản phẩm thô, tỉ lệ qua chế biến thấp.

Tỉnh vẫn đang lãng phí nguồn lực rất lớn từ việc sử dụng chưa hợp lý các phụ phẩm trong nông nghiệp. Các đơn vị liên quan chưa tối ưu hóa, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan, khí hậu, nguồn nước và sự đa dạng về văn hóa.

Sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương gặp khó trong phát triển và tiêu thụ.

Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông được chứng nhận từ 3 đến 4 sao OCOP. Ảnh: Mai Hương

Cần thay đổi để phát triển

Về định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để hướng đến việc song hành cùng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng du lịch, ông Tuấn Anh nêu quan điểm: Trong tương lai, tỉnh cần phải nâng cao giá trị sản phẩm chính bằng cách xây dựng chuỗi chế biến sâu, tạo dựng thương hiệu gắn với chất lượng. Các doanh nghiệp cần đa dạng hoá, tối ưu sản phẩm và khai thác giá trị phi vật thể như du lịch nông thôn nông nghiệp gắn chặt với các sản phẩm OCOP...

Tỉnh đang có trên 50 trang trại làm du lịch nông thôn dưới nhiều dạng thức khác nhau như trải nghiệm, cắm trại nghỉ dưỡng, khôi phục các truyền thống văn hóa như chợ phiên, nhảy sạp… Với dư địa còn lớn, du lịch Đắk Nông cần có hướng đi riêng và liên kết với các địa phương trong vùng cùng phát triển. Ngoài ra, phát triển đa dạng các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn như trải nghiệm, khám phá, nghỉ dưỡng, thực hành nông nghiệp và gìn giữ văn hóa bản địa.

Du lịch tỉnh Đắk Nông đang có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong tương lai. Ảnh: Phan Tuấn

"Tuy nhiên, khi làm nông nghiệp kết hợp với dịch vụ du lịch thì các doanh nghiệp lẫn chính quyền các địa phương phải tôn trọng tự nhiên, kiến tạo văn hóa trên tinh thần lấy nông nghiệp, cộng đồng, nông dân làm trọng tâm", ông Tuấn Anh nói thêm.

Ngày 19.11, tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông” do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông phối hợp với Báo Lao Động tổ chức. Sự kiện nhằm mục đích để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch lữ hành nêu lên tâm tư nguyện vọng để cơ quan thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các diễn giả, các nhà nghiên cứu còn tư vấn có thể hiến kế cho ngành nông nghiệp tỉnh phát triển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch nông nghiệp nông thôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn