MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng cho bệnh nhân. Ảnh: Trang Hà

Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày - "phép màu" cho bệnh nhân béo phì

Minh Hà LDO | 24/06/2023 06:48

Bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, không phải trường hợp thừa cân, béo phì nào cũng có thể thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Đây là phương pháp chữa bệnh, không phải giảm béo đơn thuần. Nhiều người đã có cuộc sống mới sau khi thoát khỏi béo phì.

Thực hư phẫu thuật thu nhỏ dạ dày để giảm cân

Mang nỗi tự ti vì ngoại hình quá cỡ nhiều năm nay, chị Lê Thị Nguyên (38 tuổi, Đồng Nai) đã nỗ lực tìm mọi phương pháp giảm cân từ tiêm tan mỡ, hút mỡ, uống thuốc giảm cân, nhịn ăn... nhưng vẫn không thành. 

Nghiêm trọng hơn, số cân nặng chạm mốc 98 kg khiến chị Nguyên mắc một số bệnh như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, cơ thể luôn trong tình trạng nặng nề, mệt mỏi.

Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình, chị Nguyên đã tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để điều trị béo phì theo phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày hình ống, mục đích là thu nhỏ dạ dày, giảm hấp thụ đồ ăn. Sau 2 ngày phẫu thuật, chị Nguyên đã bắt đầu sinh hoạt lại bình thường, sức khỏe tiến triển tốt.

Trao đổi với Báo Lao Động, TS.BS Bùi Thanh Phúc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bụng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, những bệnh nhân đến với trung tâm phẫu thuật nội soi với căn bệnh béo phì thường trên 90 kg. Ngoài vấn đề cân nặng còn nhiều vấn đề khác kèm theo như mỡ máu, tiểu đường, bệnh về cơ xương khớp, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, thậm chí có bệnh nhân bị trầm cảm vì tự ti về cơ thể của mình.

Bác sĩ Phúc thông tin, phẫu thuật điều trị béo phì được xem là phương pháp khá bền vững. Bệnh nhân béo phì điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lựa chọn phương pháp nội soi tạo hình dạ dày ống. Với phương pháp này, bác sĩ cắt bỏ một phần dạ dày theo chiều dọc để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói khi dạ dày đã bị thu hẹp. Do phẫu thuật bằng phương pháp nội soi nên vết mổ rất nhỏ, không chảy máu, tránh nguy cơ nhiễm trùng so với mổ mở, thời gian nằm viện ngắn và nhanh phục hồi.

"Thông thường 1 - 2 ngày đầu chưa thể giảm cân ngay, nhưng sau 1 tuần bệnh nhân có thể giảm được 5-7 kg, thậm chí 10 kg, 1 tháng đầu tiên sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể giảm trên 10 kg" - bác sĩ Phúc nói.

Không phải trường hợp nào cũng phẫu thuật thu nhỏ dạ dày

Theo GS Trần Bình Giang - nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện nay mức độ người bị thừa cân béo phì đang tăng lên ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần phân biệt các cấp độ của thừa cân, béo phì. Cấp độ thứ nhất là thừa cân, cấp độ thứ 2 là béo phì, cấp độ thứ 3 là béo phì cấp độ cao.

Đối với những trường hợp thừa cân, GS Giang cho rằng, không nên thực hiện phương pháp can thiệp mà cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao. Kĩ thuật phẫu thuật thu nhỏ dạ dày chỉ được sử dụng đối với trường hợp từ béo phì trở lên.

"Chỉ số BMI là thông tin quan trọng để đánh giá thể trọng một người. Chỉ số này được tính bằng công thức cân nặng chia cho bình phương chiều cao.

BMI từ 25 đến 30 được xem là béo phì độ 1; từ 30 đến 35 là béo phì độ 2 và trên 35 là béo phì độ 3.

Trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số BMI từ 27,5 trở lên cộng với một số bệnh như đái tháo đường, mỡ máu thì các bác sĩ có thể xem xét các khả năng để tiến hành phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Ngoài tác dụng chữa béo phì thì phẫu thuật còn có tác dụng rất tốt trong việc chữa các bệnh rối loạn đường huyết, tăng đường huyết, tăng mỡ máu..." - GS Giang chia sẻ.

Theo dõi các bệnh nhân đã phẫu thuật tại bệnh viện,  GS Giang cho biết, có khoảng 90% các trường hợp bệnh nhân béo phì kèm theo các triệu chứng của đái tháo đường, mỡ máu đều khỏi, số còn lại giảm nhiều so với điều trị thuốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn