MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phê chuẩn bổ nhiệm 2 bộ trưởng: Cần trưởng ngành quyết tâm, dám đương đầu

Nhóm PV LDO | 21/10/2022 18:53

Đại biểu Quốc hội cho rằng, y tế và giao thông vận tải là hai ngành rất nhiều thách thức, cho nên cần có một tư lệnh ngành đủ sự quyết tâm, mạnh dạn, dám đương đầu.

Chiều nay (21.10), tại kỳ họp 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 với bà Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Giao thông Vận tải với ông Nguyễn Văn Thắng.

Bên hành lang Quốc hội, Báo Lao Động đã có trao đổi với Đại biểu Quốc hội về những kỳ vọng vào tư lệnh vừa được phê chuẩn bổ nhiệm của ngành y tế và ngành giao thông vận tải.

PGS.TS Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): "Kỳ vọng hai tân bộ trưởng không đi theo lối mòn"

Hai tân Bộ trưởng Y tế và Giao thông Vận tải vừa được Quốc hội phê chuẩn đều là những nhân sự trẻ, mà người trẻ thường xông xáo, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới.

Y tế và giao thông vận tải là hai ngành rất nhiều thách thức, cho nên cần có một tư lệnh ngành đủ sự quyết tâm, mạnh dạn, dám đương đầu. Những nhân sự này cũng đã kinh qua nhiều vị trí, đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Với nhiệm vụ mới sẽ là cơ hội để các tân bộ trưởng thể hiện được hết khả năng của mình.

Hai tân bộ trưởng đều không xuất phát từ lĩnh vực chuyên môn của ngành mình là y tế và giao thông vận tải mà xuất phát từ lĩnh vực quản lý kinh tế. Đó là lý do tôi kỳ vọng hai tân bộ trưởng không đi theo lối mòn của hai ngành này đã đi trong nhiều năm qua, mà cần có tư duy mới.

Tư duy mới ở đây là không gói mọi thứ trong phạm vi của ngành mình, mà cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn. Có như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ huy động được sức mạnh của nhiều lực lượng tham gia, gánh nặng đó sẽ có nhiều người gánh vác cùng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: PV 

Chúng ta thấy những khó khăn, vướng mắc của ngành y trong thời gian qua là những hoạt động mua sắm, đầu tư, trúng thầu, đều là những hoạt động không phải thế mạnh của ngành y tế, cán bộ quản lý ngành y tế, thế mạnh của họ là làm chuyên môn.

Tân Bộ trưởng Y tế là nhà quản lý kinh tế, cho nên tôi kỳ vọng bà sẽ xử lý những vấn đề đang vướng mắc hiện nay dưới góc độ của những người làm kinh tế, có như vậy, công việc mới hiệu quả.

Còn Bộ Giao thông và Vận tải, áp lực về khối lượng công việc rất lớn, đừng nghĩ rằng đó là công việc của riêng Bộ Giao thông và Vận tải, mà cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương. Bởi, các địa phương đều có thể đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông qua địa phương mình. Khi đó sẽ tách bạch được giữa cơ quan quản lý và chủ đầu tư, càng có điều kiện để giám sát tốt hơn.

TS Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội): "Tân Bộ trưởng cần rất công tâm trong việc lựa chọn nhà đầu tư"

Áp lực đầu tiên của tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng là hoàn thành các dự án đầu tư công đúng tiến độ theo khung thời gian do Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Cần có sự đột phá trong chỉ đạo và điều hành, cũng như có sự yểm trợ của các cơ chế đặc thù: quy định về chỉ định thầu, giải tỏa mặt bằng nâng cao tinh thần trách nhiệm, chọn đúng năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các dự án... Bởi các nhà đầu tư có thể sẽ đưa ra những giải pháp sáng kiến về mặt quản lý rất tốt.

Tân Bộ trưởng cần phải rất công tâm trong việc lựa chọn các nhà đầu tư, thực hiện tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan trong kiểm tra, giám sát giúp nhà đầu tư thực hiện tốt các dự án. Qua đó sẽ giúp tránh được những rủi ro có thể phát sinh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: PV 

Có một điều tân Bộ trưởng cần chú ý là khi làm việc với tư nhân, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào một số công đoạn xây dựng... đó là những vấn đề pháp lý của hợp đồng, làm sao vừa đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, vừa tránh được những tranh chấp.

Trong thời gian qua, một số tranh chấp giữa các nhà đầu tư, nhà thầu với Nhà nước trong việc thực hiện một số thông tin đối tác công tư -  cho thấy công tác pháp chế của hợp đồng chưa được coi trọng. Cho nên cần nâng cao quản trị về pháp lý, hợp đồng quản trị, quản trị rủi ro, phòng ngừa tranh chấp.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông và Vận tải cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tự chủ của các địa phương trong việc huy động nguồn lực. Mặt khác, khi hệ thống pháp luật minh bạch, công tác kiểm tra giám sát được tăng cường, liêm chính thì hoàn toàn dễ dàng trong việc huy động được doanh nghiệp tư nhân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn