MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Ảnh: Hải Nguyễn

Phê duyệt 2 loại vaccine Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ em

Lệ Hà LDO | 30/10/2021 06:27

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tuyên truyền nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP, do Bộ TTTT tổ chức ngày 29.10. Tính đến ngày 29.10, Việt Nam đã tiếp cận được hơn 107 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm được hơn 78 triệu liều. Gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna. 

Đa số khu vực trên cả nước đang thuộc vùng an toàn

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế - khẳng định, Nghị quyết 128 của Chính phủ được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” sẽ tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới...

Theo thống kê của Bộ Y tế, đa số khu vực trên cả nước đang thuộc vùng an toàn, chỉ có 65 phường, xã nằm ở cấp độ 4.

Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em

Thông tin thêm về Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch tại các địa phương hiện nay cơ bản được kiểm soát.

Tính đến ngày 29.10, Việt Nam đã tiếp cận được hơn 107 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm được hơn 78 triệu liều. Gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna. 

"Việt Nam chưa tiếp cận được vaccine Moderna cho trẻ em. Thời gian vừa qua nguồn vaccine này chủ yếu được hỗ trợ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine...). Bộ Y tế đang tích cực tìm kiếm nguồn cung vaccine cho phòng chống dịch, trong đó có cả nguồn vaccine dành cho người dưới 18 tuổi", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi triển khai trên toàn quốc từ tháng 11, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. 

Song song với tổ chức Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo hình thức Chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.

Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu. Vaccine sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).

Về giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo và xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan để đưa ra mức giá phù hợp. 

Trước khi ban hành văn bản, bộ sẽ thông tin tới người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn