MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hãng bay luôn sẵn sàng các kịch bản xử lý uy hiếp hàng không. Ảnh VNA

Phi công được đào tạo xử lý thế nào với các vụ uy hiếp hàng không?

Minh Hạnh LDO | 06/01/2022 11:46
Liên quan đến việc chuyến bay VN5311 từ Narita (Nhật Bản) về Hà Nội của Vietnam Airlines bị đe dọa "bắn hạ", trong quá trình đào tạo và huấn luyện bay, các phi công luôn có các kịch bản xử lý các trường hợp uy hiếp hàng không.

Trao đổi với PV Báo Lao Động trưa nay (ngày 6.1), Cơ trưởng Phạm Thanh Sơn (Đoàn bay 919 - Vietnam Airlines) cho biết, thông thường sau khi tiếp nhận nguồn thông tin về các trường hợp uy hiếp hàng không, cơ trưởng sẽ thực hiện các bước xử lý được đào tạo và huấn luyện theo các kịch bản từ trước.

Cụ thể sau khi xác nhận thông tin chính xác, cơ trưởng sẽ trực tiếp thông báo cho tất cả các cơ quan hữu quan và điện thoại về Việt Nam cho hãng bay, Cục Hàng không Việt Nam và uỷ ban khẩn cấp của Chính phủ; cơ trưởng sau đó có thể quyết định hạ cánh khẩn cấp, dù đó là tin thật hay tin giả. Sau khi an ninh hàng không điều tra không có vấn đề gì và được phép của các cơ quan hữu quan vừa thông báo, chuyến bay sẽ tiếp tục triển khai bay tiếp.

Cơ trưởng Phạm Thanh Sơn cho hay, trong quá trình đào tạo có nhiều kịch bản tương tự như vụ việc xảy ra ngày 5.1.2022 với chuyến bay của Vietnam Airlines. Tổ bay khi nhận được thông tin từ kiểm soát viên không lưu báo có các vấn đề uy hiếp an toàn, an ninh hàng không như vụ việc chuyến bay VN5311 từ Narita (Nhật Bản) về Hà Nội khởi hành lúc 10h 30 (giờ địa phương) bị đe dọa an ninh sẽ có các kịch bản xử lý phù hợp.

Trong trường hợp khi có không tặc trên tàu bay, để đảm bảo an toàn, đầu tiên cơ trưởng sẽ lệnh chốt chặt buồng lái vì mỗi chuyến bay đều có một quy ước riêng của toàn bộ tổ bay, giữa phi công và tiếp viên. Nếu có không tặc, thông tin sẽ lập tức được thông báo với toàn bộ tổ bay theo quy ước giữa cơ trưởng và tiếp viên trưởng.

Các thông tin sau đó tiếp tục được thông báo khẩn cấp đến quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu đang bay trên vùng trời của họ và về Việt Nam, sau đó tiến hành hạ cánh khẩn cấp. Khi hạ cánh tổ lái phải ngồi nguyên trên buồng lái.

Trước đó, vào khoảng 11h10 (giờ địa phương), chi nhánh VNA tại Nhật Bản nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung trao đổi: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua vịnh Tokyo”.

Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi: “Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không” thì người đàn ông trả lời: “Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại”. Chuyến bay VN5311, gồm 15 thành viên tổ bay (12 tiếp viên và 3 phi công), trong đó có 2 cơ trưởng, cùng 47 hành khách.

Chuyến bay sau đó chuyển hướng, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka (Nhật Bản). Nhà chức trách và Cảnh sát sân bay Fukuoka đã lên tàu bay kiểm tra, phỏng vấn tổ bay và hành khách, nhưng không áp dụng các biện pháp an ninh.

Sau khoảng 2 giờ đỗ, tiến hành hành kiểm tra an ninh và xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, chuyến bay VN5311 rời sân bay Fukuoka, tiếp tục hành trình về Hà Nội và hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài lúc 18h12 (giờ Việt Nam) ngày 5.1.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn