MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Bảo Hân

Phí tuyển dụng cao làm tăng nguy cơ về lao động cưỡng bức

Quế Chi LDO | 07/04/2023 08:19

Việc phải chi trả phí tuyển dụng cao làm tăng nguy cơ bị tổn thương của người lao động, khi họ phải trả các khoản nợ trong nhiều tháng và đôi khi là nhiều năm. Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cho biết như vậy tại Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023.

Chi phí để lao động đi làm việc tại Nhật Bản

Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 vừa được tổ chức với chủ đề: Tối ưu hóa giao lưu nhân lực - Hướng đến tuyển dụng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế. Diễn đàn do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với ILO và Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam tổ chức.

Theo bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, 10 năm qua, điểm đến của lao động Việt Nam đã chuyển sang những nước có thu nhập cao và Nhật Bản nằm trong tốp những điểm đến này. Lao động có quốc tịch Việt Nam hiện đang chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số lao động nước ngoài tại Nhật Bản (chiếm 25,4% trông số 1,82 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản).  

Vẫn theo Giám đốc ILO tại Việt Nam, khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam với sự hỗ trợ của ILO cho thấy, thực tế lao động của Việt Nam phải trả 192 triệu đồng để có được công việc đầu tiên tại Nhật Bản. Điều này mâu thuẫn với tiêu chuẩn quốc tế về lao động di cư - theo đó đã nêu rõ: Người lao động hoặc người tìm việc không phải trả một khoản phí hoặc bất kỳ chi phí liên quan nào để đi làm việc ở nước ngoài.  

Nghiên cứu của ILO đã cho thấy, việc người lao động phải chi trả các phí tuyển dụng sẽ làm tăng nguy cơ về lao động cưỡng bức. Việc phải chi trả phí tuyển dụng cao làm tăng nguy cơ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả các khoản nợ trong nhiều tháng và đôi khi là nhiều năm.   

Đảm bảo sự minh bạch, hợp pháp

Ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam - cho biết, hiệp hội đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp tuyển dụng Việt Nam. Bộ quy tắc ứng xử bao gồm 12 nhóm nguyên tắc liên quan đến toàn bộ quá trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong hoạt động của doanh nghiệp. 

Trong đó, nhóm nguyên tắc 1 liên quan đến tuân thủ các quy định của luật pháp. Nguyên tắc này yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là trong phòng, chống lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, buôn bán người, nghiêm cấm phân biệt đối xử đối với người lao động. 

Nhóm nguyên tắc 2 liên quan đến tiêu chuẩn kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên tắc này đòi hỏi doanh nghiệp có chính sách kinh doanh rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực chuyên nghiệp, công bố các tiêu chuẩn tối thiểu về dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, các tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với nhân viên. 

Nguyên tắc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp đảm bảo sự minh bạch, hợp pháp, bình đẳng giới và sự chấp thuận trên cơ sở được cung cấp đầy đủ thông tin và tự nguyện của người lao động về các loại chi phí, phí dịch vụ, phí môi giới liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà doanh nghiệp thu từ người lao động. 

Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), các quy định pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến nay cơ bản hoàn thiện, được ILO đánh giá cao, trong đó, bổ sung các quy định để bảo vệ tốt hơn cho người lao động… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn