MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Vệ đứng ở nơi khai quật trống đồng Đông Sơn do ông bác nội là Nguyễn Văn Nắm phát hiện. Ảnh: XUÂN HÀ

Phía chân trời hoa nở

Tùy bút của Võ Thị Xuân Hà LDO | 14/02/2024 17:00

Làng cổ Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng.

1.

Làng quần tụ dựa vào lưng núi Rồng. Phía trước làng là cánh đồng rộng, màu mỡ, xung quanh ba phía của làng là những núi đá nhỏ đồi đất thấp nằm xen kẽ lẫn nhau có hình dáng kỳ dị, dân gian cứ theo đó mà đặt tên cho từng quả đồi, ngọn núi: núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên...

Dân gian cho rằng, ngôi làng cổ Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng. Ca dao cổ vùng Đông Sơn có câu:

Chín mươi chín ngọn bên đông
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về
Chín mươi chín ngọn đề huề
Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông

Phía đông của làng là hệ thống núi đất kéo dài từ Ngã Ba Đầu (Ngã Ba Bông) - nơi sông Chu gặp sông Mã chạy theo bờ nam sông Mã. Sông Mã qua hành trình vạn dặm trước khi về với biển cả đã để lại ở đây một cảnh khí ngoạn mục vào bậc nhất của xứ Thanh: Hàm Rồng - núi Ngọc.

Đứng trên đất này, dường như nghe được cả tiếng thúc voi ra trận của Bà Triệu thuở xa xưa… Dường như thấu được nghĩa khí nghĩa quân Lam Sơn còn đọng lại. Nghe được nhịp bước chân ra đi mở nước của Chúa Nguyễn Hoàng…

Từng có ngôi nhà cổ của cụ Lý làng thời trước, bao đời ở gần bên đền thờ Đệ nhị Thần hoàng Trịnh Thế Lợi là Cẩm Hoa thị vệ đời Lê, người có công lập nên làng Đông Sơn và được dân suy tôn, chôn cất tại gò cao nhất trong làng.

Nhưng rồi căn nhà gỗ cổ đó, những năm chiến tranh chống Mỹ, đã trúng bom rốc két mà cháy rụi. Nghe kể quả rốc két rơi xuống phía cổng. Vậy mà như có chân, nó cứ nhảy từng nấc từng nấc vào thềm nhà rồi mới phát nổ...

Một con bò xổng chuồng kêu lên thảng thốt, chạy tránh lửa. Chạy sang nhà hàng xóm. Cái đêm định mệnh sau đó một thời gian, một quả bom Mỹ thả xuống trúng hang đá cạnh làng, làm chết 18 người đang tránh bom, trong đó có cả gia đình bốn người nhà hàng xóm...

Nhưng ngôi nhà thứ hai con bò chạy lửa đã xông vào tiếp, sau đó đã hạ sinh được hai cậu con trai khôi ngô tuấn tú...

Người kể cho tôi nghe câu chuyện này là ông Nguyễn Vệ - Trưởng làng Đông Sơn hôm nay - ông là cháu nội của cụ Lý xưa.

Nhà cháy, gia đình chuyển ra ở bên cạnh hang núi đá. Những câu chuyện ông Vệ kể có vô vàn huyền tích, vô vàn sự thật kỳ ảo...

Điều chúng tôi cảm nhận được khi bước chân đến nơi đây là một cuộc sống với những nốt nhạc trầm. Ai nấy hít căng lồng ngực cái hương vị của một làng cổ với những nếp sống cổ xưa, sống thật chậm, thật khoan thai. Đi rất nhẹ và nói cũng rất dịu ngọt. Vẫn có bốn cái ngõ xóm mang tên Nhân Nghĩa Trí Dũng. Vẫn có những bà già ngồi bên cổng nói chuyện cháu con và cuộc đời đã qua của họ. Vẫn những nếp nhà dựng lên bằng gỗ và nện đất làm nền.

Cuộc sống và nếp xưa đang bảng lảng quanh hiện thực. Như làn khói bếp. Như màn sương hồng ở phía chân trời.

Một góc làng ở Đông Sơn. Ảnh: XUÂN HÀ

2.

Năm 1924, người nông dân Nguyễn Văn Nắm ở làng khi đi bắt cá ở bờ sông Mã đã tìm thấy trống đồng cổ. (Ông Nguyễn Vệ - Trưởng làng hiện nay là cháu gọi ông Nắm là ông bác nội).

Sau đó, người Pháp cho khai quật làng cổ Đông Sơn và tìm ra rất nhiều cổ vật có giá trị khác. Dấu vết khai quật nay còn lưu rõ nhất trong khuôn vườn chùa Đông Sơn (tên cũ là chùa Phạm Thông).

Năm 1934, nhà nghiên cứu người Áo R.Heine Geldern đã đề nghị công nhận nền "Văn minh Đông Sơn" là nền văn minh tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ đầu dựng nước và đến nay, tên làng Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới - Văn hóa Đông Sơn.

Bên cạnh giá trị về khảo cổ, làng còn mang đậm dấu ấn kiến trúc nông thôn Việt Nam với kết cấu xóm làng, kiến trúc nhà cửa được xem là điển hình. Đường vào làng chạy dọc trung tâm, được lát gạch hoặc đá uốn lượn theo sườn núi, thuận lợi cho việc kết nối với các cụm dân cư ở hai bên và rất tiện cho việc đi lại.

Làng như nửa vành trăng nằm trong thung lũng đá.

Ngước mặt lên là nhìn thấy mây trời. Trời cao xanh vời vợi. Cúi xuống thấp hơn là gặp được sông. Sông trôi lờ lững. Quay phải, quay trái là núi cao núi thấp như những cái bát úp khổng lồ. Và uốn lượn giữa những dải núi là những vạt ruộng lúa nước trải dài.

Có khi mưa trắng trời. Làng ngập nước trong ánh chớp lòa và tiếng sấm sét rền vang. Ðồng nước trắng mênh mông. Tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu ộp oạp. Côn trùng ỉ eo. Ðồng quê đang tấu lên bản nhạc man man thương nhớ.

Tôi bước trên con đường trải cạnh cánh đồng, tìm về động Tiên Sơn. Phía xa kia là chân trời nhuốm một màu vàng xuộm. Trên cao hơn nữa mây cuồn cuộn như một núi bông xốp. Chân trời phía ấy sương xuống lạnh hơn. Một nỗi buồn nhớ tuổi thơ da diết choán ngập những nỗi lòng đa đoan. Cả cánh đồng đã gặt hết còn trơ gốc rạ. Mùi nồng nàn đằm thắm thiết tha. Ðấy là mùi hương quyến rũ nhất của đồng quê ban tặng con người.

Cánh đồng theo mùa lúa mà cứ thế đổi sắc màu, theo từng thời khắc sáng, trưa, chiều, tối khiến lòng người luôn vương vấn nhớ nhung mùa cũ. Đó còn là những thanh âm ngọt ngào nhất, có thể xoa dịu những nỗi đau của những chặng đời. Là cả hương vị đồng quê, bảng lảng cùng khói bếp xóm làng. Hằng đêm, gió từ miền xa thổi tới, mang theo hương đêm ngai ngái mùi bùn đất, mùi của sương sa và những loài cua cá ẩn nấp đâu đó dưới chân ruộng.

Tôi đã nhìn thấy cả một sườn núi ngập tràn hoa cúc. Hoa cúc và nhiều loại hoa đẹp khác đang nở dưới tiết trời lành lạnh, bao bọc chân động Tiên Sơn.

Chàng trai chủ vườn hoa cúc ở động Tiên Sơn tiếp chúng tôi bằng những hình chụp rất đẹp. Nghe Thanh Nam kể về dự án trồng hoa bên núi, được kết nối từ những ngày anh còn là sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh Khách sạn Du lịch - Đại học Thương mại. Bao khó khăn và cũng được nhiều trợ giúp từ phía gia đình bạn bè. Nay vườn cúc động Tiên Sơn là một trong những cảnh quan không thể tách rời nơi này.

Làng cổ Đông Sơn, xung quanh làng là một quần thể văn hóa và danh thắng như: đền Cả, miếu Nhị, chùa Đông Sơn (có tượng Phật Thích Ca bằng đồng đen), động Tiên Sơn rộng và thoáng, giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi. Trong đó, đền thờ Đức thánh Cả Lê Uy và Trần Khát Chân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Cơn gió chiều cuối đông xào xạc. Mấy chiếc lá vàng bay nhẹ như nỗi chia xa của mùa đông khẽ chao nghiêng rồi rơi luôn về cội. Trên ngọn tre mấy cánh cò chấp chới, dập dờn trốn vào thinh không cao ngút ngát. Xa xa tiếng sáo ngập trời huyền hoặc. Không gian chứa chan thứ tình cảm dịu dàng bí ẩn. Diều nhà ai ở tít trên cao chui vào giữa những đám mây bồng bềnh, chỉ còn tiếng sáo vẫn ngân nga, da diết. Ðó là những khúc hát của đồng quê thả lên nền trời.

Mùa xuân đang về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn