MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến nay, lượng du khách tới phố đi bộ Trịnh Công Sơn rất thưa thớt mỗi dịp cuối tuần. Ảnh: Hữu Chánh

Phố đi bộ muốn hút khách, cần sự khác biệt, đặc trưng riêng

HỮU CHÁNH LDO | 31/12/2022 07:22
Chuyên gia cho rằng, xây dựng và phát triển phố đi bộ là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo động lực để phát triển kinh tế đô thị. Tuy nhiên, mỗi tuyến phố đi bộ cần có chủ đề, nét đặc trưng riêng hấp dẫn, nếu không, việc người dân lãng quên một tuyến phố rất dễ xảy ra.

Phố đi bộ đìu hiu, vắng khách

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn tái khởi động tháng 5.2022 sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh. Tuyến phố mở cửa trở lại bước đầu thu hút người dân và du khách đến nghe nhạc Trịnh và thư giãn, dạo bước trên những góc đường lãng mạn.

Những tiểu cảnh, con đường đã được "thay áo mới" và đặt tên gọi đúng với sự hào hoa, lãng tử của nhạc sĩ họ Trịnh… thể hiện mục tiêu hình thành một không gian đi bộ mang màu sắc riêng, trong đó nhấn vào yếu tố nghệ thuật biểu diễn mà UBND quận Tây Hồ đang hướng tới.

Tuy nhiên, đến nay, lượng du khách tới đây rất thưa thớt mỗi dịp cuối tuần. Không còn quang cảnh đông vui tấp nập như trong những ngày tái khởi động.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mục tiêu mở rộng mô hình phố đi bộ ra nhiều quận, huyện và thị xã nằm trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Hà Nội.

Thời gian đầu, kinh tế đêm được đẩy mạnh và phát triển ở quận Hoàn Kiếm. Sau đó, thành phố giao sở, ngành phối hợp với quận, huyện và thị xã như Tây Hồ, Hoàng Mai, Sơn Tây tổ chức các tuyến phố Trịnh Công Sơn, xung quanh thành cổ Sơn Tây...

Hàng quán ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng đìu hiu, vắng bóng du khách. Ảnh: Hữu Chánh

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khi mới vận hành, phố đi bộ Trịnh Công Sơn hoạt động khá tấp nập và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tuyến phố trở nên vắng khách, thiếu sự tham gia của người dân.

"Lý do cơ bản là người tham gia đi bộ cuối tuần tập trung về phía khu Hoàn Kiếm - Bờ Hồ", bà Oanh lý giải.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thành phố đang chỉ đạo giao quận Tây Hồ nghiên cứu lại và đề xuất các hình thức triển khai tuyến phố này để thu hút người dân hơn.

Là tuyến phố đi bộ thứ tư của Hà Nội, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế của di tích, tạo không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách.

Tuy nhiên, sau những khởi động ban đầu, vấn đề được nhìn thấy tại không gian đi bộ ở xứ Đoài cũng là chưa hình thành rõ những hoạt động mang bản sắc riêng.

Cần có chủ đề nhất định

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, xây dựng và phát triển phố đi bộ là xu hướng tất yếu, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân cao hơn, góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế đô thị.

"Tại Hà Nội, một số tuyến phố đã đạt được những kết quả nhất định, trở thành không gian văn hóa lành mạnh cho người dân vui chơi, giải trí dịp cuối tuần", ông Nghiêm nói.

Trước thực trạng phố đi bộ Trịnh Công Sơn vắng khách, ông Nghiêm chỉ ra những nguyên nhân cốt lõi.

Một là, mỗi tuyến phố đi bộ cần có chủ đề nhất định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nói cách khác là phải có sự khác biệt, nét đặc trưng riêng để hấp dẫn du khách. Điều này theo ông Nghiêm chưa rõ ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Các hoạt động văn hóa, giải trí đơn giản, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ảnh: Hữu Chánh

Hai là, mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý, không gian đẹp nhưng tại tuyến phố chưa tạo ra các dịch vụ thương mại phù hợp với nhu cầu người dân.

Ba là, tuyến phố chưa đáp ứng được nhu cầu dạo chơi thư giãn kết hợp với các nhu cầu văn hóa khác của du khách.

Và cuối cùng, dù có ý tưởng, quy hoạch cụ thể nhưng chưa có nguồn nhân lực để cải tạo nhà ở quanh phố đi bộ thành các dịch vụ phát triển kinh tế.

Theo ông Nghiêm, nếu khắc phục được những điểm trên, tình trạng nơi đông, chỗ vắng tại các tuyến phố đi bộ sẽ được cải thiện. Còn không, việc người dân lãng quên một tuyến phố rất dễ xảy ra.

Với những khu vực chỉ có cảnh quan mà không sẵn vốn văn hóa bản địa gốc như phố Trịnh Công Sơn, chuyên gia du lịch Trịnh Lê Anh đề nghị cần có sự bàn thảo giữa các nhà văn hóa, kinh tế… để dựng lên một không gian văn hóa.

“Nếu được đầu tư văn hóa xứng đáng, phố Trịnh Công Sơn sẽ trở thành khu đi bộ đúng nghĩa và hoàn toàn có thể phát triển theo hướng đương đại, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách”, ông Trịnh Lê Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn