MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Quân

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bình quân 1.000 tỉ đồng/km Vành đai 3 là quá cao

MINH QUÂN LDO | 29/12/2021 14:19

TPHCM - Cho rằng bình quân 1.000 tỉ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) mỗi km đường Vành đai 3 là quá cao, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tính toán lại tổng mức đầu tư, nhất là chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng.

Vành đai 3 chậm triển khai khiến lỡ nhiều nhịp

Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đưa ra trong buổi làm việc với bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm khép kín tuyến Vành đai 3 và 4 TPHCM, ngày 29.12.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, dự án Vành đai 3 dài 98 km, đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức.

Được Thủ tướng phê duyệt cách đây hơn 10 năm nhưng hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (thuộc tỉnh Bỉnh Dương) dài hơn 15 km hoàn thành. Dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, tổng vốn hơn 6.000 tỉ đồng (bằng vốn ODA), dự kiến khởi công quý 1/2022.

Ngoài dự án 1A, những phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 hiện được nghiên cứu đầu tư giai đoạn một với tổng vốn hơn 83.000 tỉ đồng.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện việc đầu tư đường Vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP - hợp đồng BOT) không khả thi do thời gian hoàn vốn cho dự án kéo dài 29 năm nên khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Do đó, TPHCM và các địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án. Trường hợp ngân sách Trung ương không đủ, có thể hỗ trợ riêng phần giải phóng mặt bằng, còn xây lắp do các tỉnh thực hiện.

Theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bị thiệt hại nặng nề do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 nên việc bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho dự án này là thiết thực nhất để giúp đỡ 4 địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án Vành đai 3 là dự án quan trọng quốc gia, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 nhưng thời điểm này mới đặt vấn đề triển khai thì đã lỡ nhiều nhịp. Đó là không đưa được dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

“Muốn đẩy nhanh dự án phải có một cơ quan đầu mối và có đề án nghiên cứu tổng thể. Ngoài ra, trong từng đoạn phải tách ra chứ không phải đầu tư công hết” – bà Ngọc nói.

Chi phí mỗi km Vành đai 3 là quá cao

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ là phân cấp cho các địa phương và huy động các nguồn lực xã hội. Các địa phương cần nghiên cứu kỹ, nếu đoạn nào của Vành đai 3 làm theo hình thức PPP được thì làm, trong đó ngân sách Trung ương và địa phương là 50%, còn lại kêu gọi đầu tư.

Về tổng mức đầu tư dự án, Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán lại bởi không cẩn thận sẽ tính toán dự trù sai dẫn đến chủ trương đầu tư sai.

Các địa phương đều cho rằng chi phí giải phóng mặt bằng dự án cao kéo theo tổng mức đầu tư dự án lớn. Trong đó, đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan thay Bộ GTVT quản lý dự án) cho biết, chi phí xây xây lắp dự án khoảng 27.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 47.000 tỉ đồng, còn lại là chi phí tư vấn, dự phòng.

Theo Phó Thủ tướng, nếu như vậy thì tính ra chi phí xây dựng đường Vành đai 3 khoảng 400 tỉ đồng mỗi km và nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng là 1.000 tỉ đồng/km là quá cao. Trong khi đó, chí phí xây dựng mỗi km đường cao tốc Bắc – Nam là khoảng 140 tỉ đồng.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND TPHCM là cơ quan chủ trì làm thủ tục trình dự án. TPHCM cần mời tư vấn xem xét về tổng mức đầu tư, trong đó ngồi bàn lại chi phí đền bù, xây dựng xác đáng chưa. Phấn đấu tháng 2 năm sau hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ để tháng 4 – 5 trình Quốc hội.

“Giờ mời tư vấn về xây dựng lại dự án. Rà soát kỹ phương thức đầu tư, có đoạn nào làm PPP được thì đề xuất, đoạn nào không được thì dùng 100% ngân sách. Tinh thần phân cấp triệt để, mạnh mẽ cho các địa phương” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn