MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêu hủy lợn chết vì dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Hải Hà. Ảnh: BQN

Phòng chống dịch tả lợn: Đừng để dịch xuất hiện mới có mặt

Nguyễn Hùng LDO | 15/03/2019 14:30
Tại buổi họp trực tuyến với các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, sáng nay (15.3), ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, nếu cứ tình trạng dịch xuất hiện ở đâu, lực lượng chức năng mới có mặt để xử lý thì việc phòng, chống dịch đang lây lan nhanh và khó lường sẽ vô cùng khó khăn.

Tính đến nay, Quảng Ninh đã xuất hiện 7 ổ dịch, ở 7 xã, phường của 4 huyện, thị, thành phố, với 197 con lợn được tiêu hủy.

Theo ông Nguyễn Hữu Giang – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh, cho đến nay vẫn chưa thể “chốt” được đầy đủ những nguyên nhân chính khiến dịch lan nhanh, bởi chưa có trường hợp nào do lây lan vì các ổ dịch đều ở cách xa nhau. Vì thế, dịch lợn tả Châu Phi rất khó lường và ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Hiện, 7 ổ dịch đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chứ không xuất hiện ở các trang trại chăn nuôi lớn.

Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi ở thị xã Đông Triều. Ảnh: BQN

Để phòng, chống đại dịch này, các lực lượng chức năng đã lập 11 chốt trên các tuyến quốc lộ, 11 chốt liên huyện và 16 chốt tại các điểm xuất hiện dịch; kiểm soát được 317 phương tiện, vận chuyển 11.724 con lợn, phát hiện 12 xe vận chuyển 363 con lợn không đầy đủ giấy tờ, phun tiêu độc khử trùng, yêu cầu chủ hàng cho xe quay đầu về nơi xuất phát.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã cấp 8.144 lít hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại và 122.950kg vôi bột.

“Từ hôm nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), xe chở lợn từ các tỉnh, thành khác nếu không có giấy chứng nhận lợn âm tính với dịch tả lợn Châu Phi sẽ không cho vào Quảng Ninh” – ông Giang cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cứ với tình trạng chỗ nào xuất hiện dịch, lực lượng chức năng mới đến thì rất khó kiểm soát dịch bệnh lan nhanh.

“Đừng để xuất hiện ổ dịch rồi mới xuống. Các cấp chính quyền phải xác định dịch đã đến rồi và phải có giải pháp như thế nào. Lãnh đạo từ cấp thôn đến xã phường, huyện phải chủ động xuống từng hộ dân nuôi lợn để phòng chống dịch; tuyên truyền để người dân hiểu. Có khó khăn gì, cần hỗ trợ gì thì báo để tỉnh quyết định, hỗ trợ” – ông Long yêu cầu.

Ông Long cũng kêu gọi người dân hợp tác, chia sẻ với các cấp chính quyền, lực lượng chức năng: Không giấu dịch, không thịt lợn chết vì dịch để bán,… đồng thời không nên quá lo lắng bởi dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người cũng như các loại vật nuôi khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn