MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ tạm, giãn cách được chính quyền bố trí để phục tận khu dân cư trong 7 ngày phong tỏa cứng toàn thành phố. Ảnh: T.H

Phong tỏa 7 ngày, Đà Nẵng triển khai các phương án để dân không thiếu đói

Thanh Hải LDO | 14/08/2021 18:39

Trước khi áp dụng quyết định dừng mọi hoạt động trên toàn thành phố trong 7 ngày từ 16.8, chiều nay (14.8), UBND Thành phố Đà Nẵng đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí cung cấp thông tin về các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

Siêu thị di động sẽ đưa về tận các khu dân cư.

Đảm bảo cho dân không thiếu đói

Về phương án cung ứng hàng hóa chuẩn bị cho 7 ngày phong tỏa cứng toàn thành phố (TP), Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, đã chuẩn bị gạo, mì ăn liền, nước mắm, củ, quả, đảm bảo hàng thiết yếu, dễ bảo quản cho người dân. Đối với 30.000 hộ nghèo khó khăn sẽ được thành phố vận chuyển đến cho từng hộ gia đình.

Sở Công Thương sẽ huy động tất cả siêu thị, hệ thống siêu thị nhỏ cung ứng hàng hóa cho người dân, với tổng cộng 1.500 tấn hàng thiết yếu cho người dân thành phố, bình quân mỗi ngày 157 tấn. Các quận, huyện sẽ thành lập các tổ hỗ trợ cung ứng hàng hóa gồm các lực lượng: Công an, Thanh niên tình nguyện đặt hàng và trả hàng cho người dân. Các phương tiện vận chuyển hàng thiết yếu được cấp thẻ hoạt động. Nhân viên các siêu thị không phải hoạt động với phương châm “3 tại chỗ” mà được phép đi lại để cung ứng hàng hóa.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng - cho biết, trong hơn 10 ngày qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong đó, 2 chuỗi ca bệnh cảng cá Thọ Quang và chợ Đầu mối Hòa Cường lây lan khó lường. Riêng chuỗi ca bệnh liên quan đến cảng cá Thọ Quang đã lây lan ra 983 ca bệnh. Chuỗi đầu mối Hòa Cường mới 2 ngày đã lây lan 87 người. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng quyết định thực hiện biện pháp mạnh hơn để hạn chế tối đa người ra đường. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 05, thành phố đã cấp giấy đi đường cho hơn 10% dân số. Tuy nhiên, khi thực hiện tạm dừng hoạt động 7 ngày, số lượng người ra đường sẽ rất hạn chế.

Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ đối tượng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo như người bán vé số, học sinh, sinh viên, người lao động kẹt lại tại các khu nhà trọ. Rút kinh nghiệm việc cung ứng thực phẩm tại quận Sơn Trà vừa qua, thành phố sẽ thành lập Tổ cung ứng hàng hóa cấp quận, phường và khu dân cư.

Y tế sẽ quá tải nếu tăng số ca COVID-19

Trả lời về công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế - khẳng định, biến thể chủng virus Delta là chủng lây lan nhanh, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Thành phố tạm dừng mọi hoạt động trong 7 ngày vì thành phố đang thực hiện các giải pháp phòng chống dịch mạnh hơn Chỉ thị 16.

Tuy nhiên, khi thực hiện Chỉ thị 05 của UBND TP, hiện vẫn còn người ra đường. Sau thời gian 7 ngày tạm dừng mọi hoạt động, thành phố có thể đánh giá và tiên lượng những biện pháp tiếp theo.

Nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện cùng với chính quyền, chăm lo cho người nghèo khó trong thời gian phong tỏa cứng cả thành phố.

Trong thời gian này, ngành Y tế thành phố tập trung toàn bộ nhân lực để lấy mẫu xét nghiệm đại diện toàn bộ hộ gia đình. Riêng đối với người dân trong khu vực nguy cơ cao sẽ lấy 100% nhân khẩu. Trong thời gian 7 ngày, người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Dự kiến có hơn 600.000 người được lấy mẫu xét nghiệm.

Để tất cả hộ dân và hộ gia đình đều được lấy mẫu, ngành Y tế cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ quận, huyện đến từng tổ dân phố. Ngành Y tế sử dụng toàn bộ 9 labor xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn toàn thành phố. Theo kế hoạch, mỗi ngày thành phố có thể xét nghiệm 100.000 người.

Về năng lực điều trị của ngành Y tế thành phố, bà Yến cho hay, cả thành phố có khoảng 10.000 giường bệnh. Trong đó, giường điều trị chung cho bệnh nhân COVID-19 khoảng 6.000 giường. Tuy nhiên, cả thành phố chỉ có khoảng 300 giường đủ điều kiện điều trị hồi sức cấp cứu, tích cực. Nếu vượt qua số này, hệ thống y tế sẽ quá tải. Vì vậy, lãnh đạo thành phố cần có sự chung tay của người dân hưởng ứng các biện pháp kiểm soát dịch của thành phố.

Về phân tầng điều trị, hiện bệnh viện dã chiến ở Khu ký túc xá phía Tây có 2.000 giường, đảm nhận điều trị bệnh nhân nhẹ; Bệnh viện Hòa Vang, quy mô 200 giường điều trị cho bà mẹ mang thai, người chạy thận nhân tạo; Bệnh viện phổi Đà Nẵng có quy mô 100 giường chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đà Nẵng có hệ thống xe cấp cứu rất tốt nên tất cả trường hợp F0 và ngay cả F1 cũng được vận chuyển bằng xe cấp cứu chuyên dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn