MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên tác nghiệp tại Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động năm 2023”. Ảnh: HẢI DANH

Phóng viên đa phương tiện - “Cỗ máy” đa-di-năng trong làng báo

HẢI DANH LDO | 15/02/2024 16:21

Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, nhu cầu của công chúng ngày càng nâng cao, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cung cấp thông tin nhanh và đa dạng về hình thức. Bởi vậy, mỗi phóng viên cần liên tục tiếp cận, đổi mới để phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của tòa soạn. Đặc biệt, với các phóng viên đa phương tiện cần thêm nhiều kỹ năng trong tác nghiệp, từ đó, tự mình sáng tạo tác phẩm với đa dạng loại hình khác nhau.

“Đi tác nghiệp mà mang về một sản phẩm là thất bại rồi”

Tôi bắt đầu được đào tạo để trở thành một phóng viên đa phương tiện và làm việc tại Trung tâm Truyền thông đa phương tiện (Media) - Báo Lao Động (gọi tắt là Ban) vào thời điểm cuối năm 2022. Ngay trong ngày đầu tiên đi làm, tôi đã bị ngợp bởi tốc độ làm việc của các anh chị phóng viên trong Ban. Mọi người làm việc gần như không ngừng nghỉ, thậm chí có những ngày 2-3h sáng vẫn có phóng viên dựng bài trên Ban.

Tôi nhớ như in lần đầu theo chân anh Tô Thế đi tác nghiệp về phân luồng giao thông tại nút giao Phạm Hùng – Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến phóng viên Media làm việc nhanh và đa-di-năng (cách chúng tôi gọi vui từ hai từ đa năng ) như thế nào.

Vừa mới đặt chân đến địa điểm, tôi chưa kịp xác định xem tiếp theo sẽ phải làm gì thì anh ấy đã tìm xong cho mình nhân vật phỏng vấn. Một tay cầm máy quay, tay còn lại cầm mic, chỉ vài phút sau đó anh ấy đã quay, chụp, phỏng vấn xong hết các nhân vật. Tôi gần như là một người thừa trong lần tác nghiệp ấy.

Cứ ngỡ nhiệm vụ chỉ dừng lại ở đó, tuy nhiên, tất cả công tác hậu kỳ phía sau như viết lời dẫn, đọc off; dựng hình, chỉnh sửa ảnh,… đều tự anh Tô Thế làm hết. Trong khi các phóng viên báo khác còn đang tìm nhân vật phỏng vấn, anh ấy đã tiến hành chỉnh sửa ảnh, dựng bài.

Tôi ngồi cạnh và hỏi: Bình thường mình phải tự làm hết như vậy à anh? Anh ấy cười, trả lời: “Chú học dần đi cho quen, đã là phóng viên đa phương tiện là phải tự làm được hết. Không những làm video được, còn phải viết bài text, bài ảnh nữa. Cùng một sự kiện, nhưng phóng viên đa phương tiện phải thực hiện được nhiều bài, nhiều thể loại. Đi tác nghiệp mà mang về một sản phẩm là thất bại rồi”.

Sau lần tác nghiệp ấy, tôi may mắn khi liên tục được đi làm cùng các anh chị khác trong Ban. Mỗi người đều truyền dạy cho tôi những kinh nghiệm, kỹ năng khi đi tác nghiệp. Ai cũng có những điểm mạnh riêng, nhưng điều tôi thấy rõ nhất ở họ là sự nhiệt huyết, chuyên nghiệp. Tất cả mọi người đều có thể xử lý công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Trước đó, trong tưởng tượng của tôi, mỗi lần đi tác nghiệp sẽ có từ 3-4 phóng viên, mỗi người sẽ phụ trách một công việc. Tuy nhiên, sau nhiều lần tác nghiệp, tôi hiểu ra được rằng, đã là phóng viên đa phương tiện thì cái gì cũng phải biết làm, phải tự mình làm được hết.

Phóng viên được đào tạo các kỹ năng phỏng vấn và tác nghiệp độc lập ngay khi mới vào Báo. Ảnh: HẢI DANH

Rèn luyện, thay đổi để hoàn thiện

Làm báo trong thời đại mới đòi hỏi một phóng viên phải liên tục trang bị, nắm vững nhiều kỹ năng mới trên nền tảng đa phương tiện. Chẳng hạn, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy quay nhỏ là có thể hoàn thành một bản tin, bài viết hoàn chỉnh (từ quay, chụp ảnh, ghi âm, biên tập tài liệu, biên tập video,...).

Ngoài ra, khi là một phóng viên đa phương tiện của Báo Lao Động, tôi còn phải có cả những kỹ năng của một MC như: Làm kịch bản, dẫn các bản tin hàng ngày, dẫn tọa đàm, Talkshow,… Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên tại một vùng quê của tỉnh Thái Bình, nên việc luyện tập để có thêm kỹ năng về MC của tôi trở nên vô cùng khó khăn.

Mỗi lần đứng trước ống kính, cổ họng tôi cứng lại, tôi không thể nào dẫn được một câu hoàn chỉnh. Thời gian ấy, anh Cát Tường cùng chị Thùy Linh hỗ trợ, giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi được chỉ dạy về kỹ năng đọc kịch bản, kiểm soát hơi thở, cách nhấn nhá khi dẫn chương trình. Cũng bởi vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã rèn cho mình được sự tự tin khi đứng trước ống kính, từ đó hạn chế khuyết điểm và dẫn trơn tru hơn rất nhiều.

Trong gần một năm làm việc tại Media, tôi còn được thực hiện các tin bài điều tra, tác nghiệp tại các công ty môi giới bất động sản cho loạt bài về nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được học kỹ năng nhập vai, học cách để làm ra một sản phẩm phóng sự điều tra.

Khi thực hiện đề tài này, tôi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều của nhóm phóng viên Chuyên đề với hàng loạt những tuyến bài điều tra đình đám. Tôi học được ở các phóng viên lớp trước sự nhanh nhạy trong tác nghiệp, cách ứng biến, xử lý tình huống khi nhập vai, tiếp cận nhân vật.

Không chỉ vậy, trong Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động năm 2023” và “Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân - công đoàn” do Báo Lao Động tổ chức, tôi cùng phóng viên Thiều Trang còn được đảm nhiệm vai trò như một đạo diễn hình ảnh khi thực hiện kiểm duyệt và chịu trách nhiệm về hình ảnh cho các chương trình. Song song với đó, chúng tôi vẫn có thể thực hiện đưa tin, bài dạng text, ảnh và video cho sự kiện một cách nhanh chóng.

Đến thời điểm hiện tại, khi mỗi phóng viên như chúng tôi đều có thể thực hiện 4-5 tin bài/ngày với đa dạng loại hình như video, hình ảnh, bài text, bài e-magazine, Trắc nghiệm,… mới thấy được rằng phóng viên đa phương tiện đa-di-năng tới mức nào.

Năm 2024, Báo Lao Động sẽ bước sang tuổi 95 với nhiều thay đổi. Trước sự phát triển của xã hội, chắc chắn Báo Lao Động sẽ liên tục chuyển mình, bởi vậy, mỗi phóng viên Media chúng tôi luôn tự nhủ, phải không ngừng cập nhật, trang bị cho mình những kỹ năng mới để ngày càng hoàn thiện, từ đó bắt kịp với xu thế làm báo hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn