MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh một trường học ở Bình Dương đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học. Ảnh: Ngân Anh.

Phụ huynh tranh cãi việc cho học sinh đeo kính chống giọt bắn đến trường

Bình Mai - Đặng Chung LDO | 05/05/2020 19:35

Ngay trong những ngày đầu tiên học sinh trên cả nước quay trở lại trường học, rất nhiều các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 được triển khai nhằm bảo đảm an toàn cho các em. Tuy nhiên, việc cha mẹ cho con đeo kính chống giọt bắn khi trở lại trường đang gây nhiều tranh cãi.

Lãng phí, không cần thiết?

Ngày 4.5, hàng chục triệu học sinh từ mầm non tới THPT của 63 tỉnh, thành đã trở lại trường sau 3 tháng nghỉ phòng dịch.

Để giải quyết lo lắng, nhiều phụ huynh đã rất cẩn thận chuẩn bị cho con từ khẩu trang, bình nước đến cả mũ chắn giọt bắn... để tăng các biện pháp phòng dịch.

Và sau ngày đầu học sinh trở lại trường, hình ảnh gây nhiều tranh cãi là học sinh của Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), THPT Trần Quang Khải (quận 11, TP HCM) đeo khẩu trang còn sử dụng thêm kính chắn giọt bắn trong giờ học.   

Phụ huynh khắp nơi trên cả nước đã có những tranh luận, quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Chị Nguyễn Minh Thư (36 tuổi, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), có con gái học lớp 4, Trường Tiểu học Trần Lãm - cho biết, chị cảm thấy việc trang bị kính chống giọt bắn cho các cháu học sinh ngày trở lại trường là việc không cần thiết.

“Tôi thấy việc đeo khẩu trang và rửa tay quan trọng hơn việc đeo kính chống giọt bắn. Bởi lẽ các cháu còn nhỏ, hiếu động mà vừa phải đeo khẩu trang rồi lại đeo thêm một lớp kính chống giọt bắn trong thời dài sẽ khiến các cháu khó chịu, gây khó khăn cho quá trình quan sát bài giảng trên bảng.

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc cẩn trọng là cần thiết nhưng phải hợp lý, đúng mức tránh lãng phí và khiến trẻ khó chịu"- chị Thư bày tỏ.

Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ cần học sinh đeo khẩu trang và thường xuyên vệ sinh tay. Việc đeo kính chống giọt bắn là không cần thiết. Ảnh: Sơn Tùng.

Đồng quan điểm với chị Thư, anh Phạm Đăng Huỳnh (34 tuổi, thôn Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội), có con đang theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Đông Anh cũng không đồng tình với việc cho học sinh đeo kính chống giọt bắn khi đến trường.

“Tôi có 2 cháu nhỏ đều đang học tiểu học nhưng tôi thấy hiện nay nhà trường đã có biện pháp giãn cách số lượng học sinh trong lớp, chia thành nhiều ca học, trong trường các cháu khắp nơi đều trang bị nước sát khẩu, khẩu trang y tế như vậy là đủ rồi.

Bản thân tôi cũng rất lo lắng khi các con đi học trở lại nhưng tôi nghĩ là việc trang bị cho các cháu ý thức rửa tay, đeo khẩu trang và bảo vệ bản thân sẽ hiệu quả hơn là đeo kính chống giọt bắn trong vừa bất tiện mà cũng không phải cách giải quyết được vấn đề phòng dịch lúc này” - anh Huỳnh nêu quan điểm.

Tăng thêm độ an toàn, sao phải chỉ trích

Chị Trần Phương Liên (30 tuổi, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), phụ huynh Trường Mầm non xã Nhân Thắng lại cho rằng việc đeo thêm một lớp kính chống giọt bắn sẽ tăng thêm độ an toàn cho trẻ khi tiếp xúc với nhiều thầy cô bạn bè trong môi trường tập thể.

Chị cho rằng, dư luận không nên chỉ trích, phụ huynh trang bị thêm cho con cũng vì lo lắng, mong con được an toàn. 

“Tôi có con còn nhỏ nên thấy càng cẩn thận bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Các cháu đi học mẫu giáo còn ít tuổi, sức đề kháng yếu, chưa biết tự chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân lại cả ngày sống ở môi trường lớp học đông đúc nên tôi thấy đeo thêm một lớp kính chống giọt bắn sẽ giúp tăng thêm một lớp bảo vệ. Như vậy thì phụ huynh chúng tôi sẽ cảm thấy yên tâm hơn một chút” - chị Liên cho biết.

Có thể ảnh hưởng tới mắt

Trao đổi với Lao Động, Bác sĩ Hoàng Cương – Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt trung ương- cho biết, việc cho học sinh đeo tấm chắn bằng meka hoàn toàn không tốt, có thể ảnh hưởng tới mắt của trẻ nếu đeo quá lâu. Trong khi thời gian qua, đôi mắt của trẻ đã bị áp lực quá nhiều từ học online 2-3 tiếng ngày.

Ngoài ra, việc sử dụng các loại mũ có kính che chắn này vẫn chưa được cơ quan y tế khuyến cáo. Nếu lạm dụng có thể tạo ra cảm giác an toàn ảo mà bỏ qua các bước phòng ngừa cơ bản là rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn