MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hộ kinh doanh tại cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn ngang nhiên xây dựng loạt biệt thự núp trong nhà xưởng. Ảnh: Thu Giang

Phù phép đất trong cụm làng nghề công nghiệp để xây biệt thự

THU GIANG LDO | 30/05/2023 06:31

Dù không được phép xây dựng nhà ở trên khu đất xưởng sản xuất, nhiều hộ kinh doanh tại cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn ngang nhiên xây dựng loạt biệt thự, nhà lầu, thách thức chính quyền địa phương.

Loạt biệt thự, nhà lầu mọc lên 

Ghi nhận của PV Lao Động cho thấy, thay vì chỉ được phép xây dựng kho bãi, nhà xưởng theo quy hoạch, những năm gần đây nhiều hộ dân kinh doanh ở cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự (huyện Thường Tín) đã ngang nhiên xây dựng biệt thự, nhà lầu kiên cố, được ngụy trang dưới những lớp tôn xanh trong nhà xưởng. 

Chị N.T.H (chủ một cơ sở gỗ nhập khẩu tại cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự) chia sẻ, do thời gian thuê đất ở đây là 50 năm, trong thời gian lắp ghép nhà xưởng, nhiều hộ kinh doanh đã lách luật xây dựng nhà kiên cố lẫn trong nhà xưởng, biến đất xây dựng nhà xưởng thành đất thổ cư, xây dựng nhà dân sinh kiên cố, trang hoàng như biệt thự, gây bức xúc trong dư luận.

"Xưởng sản xuất thuê theo năm ở đây có giá khoảng 16 - 20 triệu đồng/xưởng tuỳ diện tích. Thay vì làm nhà lắp ghép, nhiều hộ dân khi thuê đất lâu dài đã lợi dụng điều này để dựng nhà kiên cố kín đáo, qua mắt cơ quan chức năng bằng cách lợp kín xưởng bằng mái tôn, bày biện khối gỗ lớn, nguyên liệu sản xuất phía trước còn phía sau thì xây nhà kiên cố cao tầng, có kiến trúc như biệt thự tại các khu đô thị hiện đại" - chị N.T.H nói. 

Tương tự, ông Ân - Trưởng thôn Nguyên Hanh (xã Văn Tự) cũng đề cập, việc xây dựng biệt thự, nhà lầu núp bóng trong nhà xưởng là sai phạm lớn khó xử lí, diễn ra tại địa phương trong nhiều năm nay.

Nhiều người thuê xưởng ở đây để làm ăn, phát triển kinh tế lâu dài đã lợi dụng kẽ hở để cơi nới, xây dựng nhà trên đất 50 năm nhằm thuận tiện sinh sống. Thực trạng này đã được chính quyền địa phương cảnh báo nhưng đến nay, những màn "phù phép, biến hình", xây dựng nhà kiên cố trong xưởng sản xuất vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Được biết từ năm 2011, UBND TP Hà Nội ký quyết định thành lập cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự (huyện Thường Tín) nhằm di dời các cơ sở sản xuất tại địa phương vào khu vực sản xuất tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái trong khu dân cư và mở rộng quy mô phát triển nghề truyền thống của địa phương kết hợp với du lịch văn hóa làng nghề.

Tại chủ trương trong quyết định phê duyệt của TP Hà Nội cũng nêu rõ, cụm công nghiệp làng nghề Văn Tự được xây dựng nhà xưởng, nhà kho theo quy hoạch. 

Tuy nhiên, kể từ khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động đến nay đã diễn ra tình trạng nhà kiên cố, nhà cao tầng được xây dựng theo mô hình nhà ở, vi phạm quyết định được phê duyệt.

Lấn chiếm, vi phạm xây dựng hàng loạt

Dù đã có quy định cụ thể và có chế tài xử lý đi kèm, thế nhưng ở một số vùng ngoại thành Hà Nội, hoạt động xây dựng nhà ở kiên cố trong xưởng sản xuất vẫn tái diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Theo báo cáo của huyện Thường Tín, từ cuối năm 2019 đến nay, đã có 27 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà ở và mở cửa hàng kinh doanh trong cụm làng nghề xã Văn Tự. Những trường hợp này đều đã được Đội Quản lí trật tự xây dựng huyện Thường Tín lập hồ sơ vi phạm để báo cáo UBND huyện Thường Tín lên phương án xử lí, tuy nhiên, thực tế đến nay, các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội trước đó cho thấy, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 19.211 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, các đội quản lí trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lí hơn 320 trường hợp vi phạm, chiếm tỉ lệ 1,67%.

Ông Phạm Văn Quyên - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội) - thông tin, sau khi làm lán xưởng xong rất nhiều hộ dân tại cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự đã đóng cửa xây nhà ở bên trong, khi địa phương kiểm tra phát hiện thì công trình này đã hoàn thiện.

Đây là bài học mà chính quyền địa phương từ xã đến huyện phải rút kinh nghiệm, giải quyết vấn đề triệt để ngay từ đầu, vì nhà xưởng được xây dựng lên để phát triển kinh doanh nhưng đang bị các hộ dân lạm dụng, xây dựng nhà ở, vi phạm quy hoạch chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn