MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa lũ lên nhanh trên sông Ba, Phú Yên khiến người dân không kip trở tay. Ảnh CC

Phú Yên lũ vượt đỉnh lịch sử, Khánh Hòa chìm trong biển nước, vì đâu?

Hữu Long LDO | 02/12/2021 11:36

Thủy điện trên Tây Nguyên đồng loạt xả lũ dồn dập xuống sông Ba gây áp lực lớn đến thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện bậc cuối trên sông Ba. Hậu quả là người dân vùng hạ lưu Phú Yên đối mặt tình cảnh nhà cửa chìm trong biển nước, tài sản mất trắng. Trong khi đó, tại Khánh Hòa mưa lớn cộng với việc xả nước ở các hồ chứa làm lũ trên sông Cái và sông Dinh lên nhanh, hàng trăm người dân phải đi sơ tán...

Vượt đỉnh lịch sử năm 1993

Ngày 2.12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết trước tình hình nhiều địa phương vẫn còn bị ngập nặng, lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả, di dời tài sản người dân đến nơi an toàn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trận lũ vừa qua xảy ra ở Phú Yên làm ba người chết, sáu người mất tích, hơn 50.000 căn nhà bị ngập. Để đảm bảo an toàn đến tính mạng của người dân, tỉnh Phú Yên cũng đã sơ tán hơn 18.500 người đi tránh lũ và hỗ trợ nhân lực, vận lực nhằm di dời tài sản của người dân.

Phú Yên cũng đã sơ tán hơn 18.500 người đi tránh lũ. Ảnh Phuong Uyen

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đợt lũ tại Phú Yên lần này có tính chất nghiêm trọng và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1993.

Trong khi đó tại Khánh Hòa, mưa lớn cộng với việc xả nước ở các hồ chứa nên trong đêm 30.11, lũ trên sông Cái và sông Dinh lên nhanh, hàng trăm người dân được lực lượng chức năng hỗ trợ sơ tán đến nơi an toàn.  

Cụ thể, trong đêm 30.11, nước trên sông Cái Nha Trang lên nhanh, đạt đỉnh lũ lúc 0 giờ ngày 1.12 với mức 11,46m, trên báo động 3 là 0,46m; trên sông Dinh Ninh Hòa đạt 5,72m, trên báo động 3 là 0,02m. Đến trưa 1.12, lũ trên sông Cái Nha Trang đã giảm xuống dưới mức báo động 1, còn trên sông Dinh Ninh Hòa vẫn duy trì ở mức báo động 2 - 3 và dự báo giảm xuống dưới báo động 1 vào trưa 2-12.

Không chỉ gây ngập lụt trên diện rộng, mưa bão còn khiến hàng loạt tuyến đường huyết mạch nối Nha Trang – Đà Lạt bị chia cắt, sạt lở nghiêm trọng.

Không chỉ ở Nha Trang, đến sáng cùng ngày nhiều nơi ở Diên An, Diên Khánh vẫn bị ngập sâu trong biển nước. Ảnh CC

Nguyên nhân do xả lũ?

Bên cạnh lý do thời tiết khắc nghiệt, một trong những nguyên nhân khiến nước lũ ở Phú Yên dâng nhanh là do các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ gây áp lực xả lũ ở thủy điện hạ lưu sông Ba.

Cụ thể, các thủy điện Tây Nguyên ồ ạt xả lũ từ đó gây áp lực đến Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện bậc cuối ở hạ lưu sông Ba. Cuối cùng, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ phải liên tục tăng lưu lượng xả xuống lưu lưu. Hậu quả là lượng lượng nước xả khổng lồ đổ từ thượng nguồn xuống gây ngập lụt khủng khiếp tại nhiều ở ở Phú Yên.

Ông Trần Lý - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ giải thích thêm rằng, với vị trí nằm cuối hạ lưu sông Ba nên khi mưa lớn kéo dài, lượng nước từ Tây Nguyên đổ về rất lớn, đã gây áp lực trong quá trình xả lũ của nhà máy.

Ông Lý cho biết, các thủy điện ở Tây Nguyên trước khi điều tiết xả lũ thường có thông báo trong nhóm của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên. Sau đó, trưởng ban chỉ đạo sẽ quyết định điều tiết xả phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế thiệt hại ở hạ du trong mức thấp nhất.

TP.Tuy Hòa hiện có 20.860 nhà đang ngập trong nước lũ từ 0,5-1m. Ảnh Phương Uyên

“Bên cạnh việc điều tiết nước qua tràn thì lượng mưa lớn từ ngày đêm 29, rạng sáng 30.11 rất lớn từ đó cũng gia tăng tình trạng ngập lũ ở phần hạ lưu. Đến hôm nay thì thời tiết bắt đầu đã thuận lợi, việc điều tiết xả lũ cũng được nhà máy vận hành thuận lợi hơn ” – ông Lý thông tin.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đối với các hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh như Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’năng vận hành theo quy trình liên hồ.

Tỉnh Phú Yên cũng điều hành xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ đối với các hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh và không thể can thiệp việc xả lũ của các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn