MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách thích thú với vườn nhãn cổ Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Phục hồi nhãn cổ Bạc Liêu, khơi tiềm năng phát triển

NHẬT HỒ LDO | 21/11/2023 08:43

Tỉnh Bạc Liêu đã từng thất bại trong việc phục hồi giá trị nhãn cổ (hầu hết là nhãn cổ có niên đại 100 năm) khi từ diện tích 1.200ha giảm xuống chỉ còn chưa tới 200ha. Tuy nhiên, gần đây ngành du lịch cùng thành phố Bạc Liêu thiết lập lại dự án khôi phục nhãn cổ Bạc Liêu và bước đầu thành công nhờ sự đồng thuận của người dân.

Anh Trần Minh Đức - chủ vườn nhãn “Love Garden” ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu - chia sẻ: Là người sinh ra và lớn lên với tuổi thơ gắn liền với cây nhãn, tự hào về vùng đất Giồng Nhãn, trên diện tích 4ha, gia đình anh trồng gần 100 cây nhãn cổ.

Anh Đức xử lý kỹ thuật cho trái quanh năm để phục vụ khách du lịch. Khách đến đây được nghe những chuyện kể về giống nhãn cổ Bạc Liêu, được trực tiếp hái và thưởng thức tại vườn.

Còn anh Tạ Công Danh - chủ quán bánh xèo A Mật, xã Hiệp Thành - cho hay, sở dĩ quán bánh xèo của anh phát triển và nổi tiếng được là do nằm trong khu vườn nhãn cổ Bạc Liêu, bởi với người dân Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng, kỹ thuật làm bánh xèo thường không khác nhau nhiều, nhất là về nguyên liệu.
Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu - cho biết, để khai thác tiềm năng du lịch từ vùng trồng nhãn, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.

Theo ông Dương, đến nay, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch với tổng số 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.

Hiện tại Bạc Liêu tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án với mục tiêu hình thành 3 cụm với tổng số 339 cây nhãn cổ để đẩy mạnh công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực vườn nhãn, bà Đỗ Ái Lam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu - cho biết, thành phố tập trung xây dựng nhiều sản phẩm thu hút du khách, trong đó tập trung nhiều vào sản phẩm du lịch vườn nhãn.

Thành phố đặt chỉ tiêu xây dựng khu du lịch vườn nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều dịch vụ phong phú. Qua đó, phát triển sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng.

Bà Ái Lam cũng thông tin thêm, thành phố Bạc Liêu đang đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch; chọn những hộ dân đủ điều kiện xây dựng mô hình homestay; củng cố và thành lập mới các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ khách đến tham quan vườn nhãn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn