MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách Hàn Quốc đặt chân đến Sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định (thời điểm trước dịch COVID-19). Ảnh: N.Tri

Phục hồi nội địa, hàng không Việt sẵn sàng bay ra quốc tế

NGUYỄN TRI LDO | 01/06/2020 08:07
Hàng không Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ khi khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các hãng hàng không cần sẵn sàng để “cất cánh”, tận dụng được lợi thế của một quốc gia khống chế sớm được dịch để khai thác tốt thị trường quốc tế.

Tập trung vào thị trường trong nước

Hiện, Việt Nam là quốc gia đang có những tín hiệu tích cực nhất trong việc khống chế dịch COVID-19. Việt Nam đã kết thúc cách ly xã hội, cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường. Đây là lợi thế lớn đối với ngành hàng không khi các đường bay nội địa đã được nối lại từ rất sớm trong khi nhiều quốc gia vẫn đang “bế quan tỏa cảng”. Để tận dụng được lợi thế này, ngành hàng không Việt Nam cần phải sẵn sàng để “trỗi dậy”, phát triển mạnh mẽ các đường bay quốc tế khi thế giới đẩy lùi được dịch bệnh.

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hàng không Việt phải luôn ở tâm thế sẵn sàng vươn ra quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát, các rào cản nhập cảnh, các yêu cầu về cách ly được dỡ bỏ.

“Khi đó ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế cũng sẽ nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ. Tuy nhiên, từ đây đến đó vẫn còn một quãng thời gian” - ông Cường nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không, để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không như: Cảng Hàng không, Công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn..., Cục Hàng không sẽ tạo điều kiện tối đa theo nhu cầu cho các hãng, không hạn chế về tần suất bay trừ trường hợp gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng đang thực hiện chính sách dành thời gian cất cánh và hạ cánh các chuyến bay quốc tế để các hãng tăng cường khai thác bay nội địa, mở các đường bay mới giữa các địa phương trong nước.

“Sau khi nới lỏng cách ly xã hội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways là hai hãng hàng không có đề xuất mở những đường bay mới nối liền các sân bay địa phương với nhau rồi sau đó mới nối với sân bay Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa rồi. Một số hãng đã phục hồi trở lại như trước dịch, không chỉ tăng bay các chặng truyền thống mà đang mở thêm các đường bay nội địa mới. Tuy nhiên thị trường khách quốc tế chưa đạt 50% như năm 2019 bởi ảnh hưởng của dịch” - ông Cường nói.

Tuy nhiên, 2 sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về giờ cất hạ cánh, vì các đội tàu bay còn đỗ lại chưa khai thác vẫn còn rất nhiều, như Bamboo Airways còn hơn 50% tàu bay chưa khai thác, VietJet Air cũng tương tự, Vietnam Airlines còn lớn hơn. 

“Khi các hãng hàng không được cất cánh, vấn đề về cơ sở hạ tầng sẽ được giải quyết. Có thể nói, ngành hàng không nội địa đang có sự trỗi dậy và trở lại mạnh mẽ sau dịch” - ông Cường chia sẻ. 

Sẽ sớm đưa khách quốc tế vào Việt Nam

Tại cuộc tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chúng ta sẽ như “lò xo bật mạnh”. Trong ngành hàng không, để “bật mạnh hơn” thì cần 3 yếu tố: Đầu tiên là hoạt động quản lý của ngành hàng không, thứ 2 là tái cơ cấu lại các đường bay và thứ ba là các chính sách kích cầu của các hãng hàng không.

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định đặt câu hỏi: “Đối với sức bật này, trong 3 mục tiêu đó thì nên tập trung vào cái nào. Với góc độ một nhà quản lý địa phương, then chốt để ngành hàng không việt “bật” lên sau tọa đàm này thì nằm ở điểm nào là mấu chốt?”

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế cho biết, để “lò xo” nền kinh tế bật trở lại, nhất là trong thời kỳ bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không. Tuy nhiên, hàng không bật dậy sẽ không chỉ vì riêng hàng không mà nó còn gắn kết, đẩy du lịch bật lên, khi du lịch bật lên kéo theo lưu trú, khách sạn, lữ hành, nhà hàng, quán ăn... cũng phát triển theo. Sự phát triển trở lại của hàng không sẽ giúp tạo ra sự lan tỏa, kết nối để phát triển nền kinh tế, giúp phục hồi kinh tế của các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn