MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Hải Dương không kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi toàn tỉnh. Ảnh Mai Dung

Phương tiện nào không phải kiểm tra khi lưu thông qua tỉnh Hải Dương?

Mai Dung LDO | 27/07/2021 20:56
Ngày 27.7, UBND tỉnh Hải Dương ban hành công văn số 2704/UBND-VP về việc tăng cường quản lý, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong nước, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19. Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, các đơn vị triển khai ngay một số giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, về bảo đảm vận chuyển hàng hóa, vật tư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, tình hình thực tế tại địa phương và đề nghị của chủ phương tiện, lái xe, UBND tỉnh Hải Dương giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng phương án về tuyến đường ưu tiên sử dụng làm “Luồng xanh” vận tải liên tỉnh, nội tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông hướng dẫn, tuyên truyền, cấp thẻ, công bố “Luồng xanh” cho chủ phương tiện, lái xe vận tải hàng hóa hoặc vận chuyển khác được hoạt động trên các tuyến đường theo quy định.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cấp huyện hướng dẫn và yêu cầu chủ phương tiện, lái xe phải cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong suốt quá trình vận chuyển (chấp hành 5K, không tiếp xúc khi giao nhận hàng, lái xe và người ngồi trên xe phải có xét nghiệm SAR-CoV-2 âm tính bằng phương pháp Realtime-PCR trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu); chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh khi vận chuyển do không chấp hành các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.

Các lực lượng chức năng không kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi toàn tỉnh (phương tiện đã được dán Giấy nhận diện có mã QR code của ngành giao thông vận tải). Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển nêu trên chỉ được thực hiện ở các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu chống dịch.

Các lái xe/người giao hàng không được tiếp xúc với người khác trong quá trình giao nhận hàng. Chủ hàng, doanh nghiệp, lái xe có trách nhiệm chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, Tổ COVID-19 cộng đồng thông tin kịp thời về thời gian, địa điểm giao nhận hàng; Ban chỉ đạo cấp xã, Tổ COVID-19 cộng đồng tổ chức giám sát các biện pháp phòng, chống dịch đối với việc giao nhận hàng của các phương tiện này.

Các trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, người lao động hiện đang cư trú trên địa bàn Hà Nội thường xuyên làm việc tại Hải Dương, nay có nhu cầu trở về Hải Dương làm việc và cư trú tại Hải Dương trong khi Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì đồng ý tiếp nhận với điều kiện có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ bằng phương pháp Realtime-PCR kể từ khi lấy mẫu; báo cáo BCĐ cấp huyện khi cư trú trên địa bàn tỉnh Hải Dương (có thể là khách sạn hoặc doanh nghiệp).

Trong quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, quá trình ăn, uống, sinh hoạt..., những trường hợp này phải chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K, không tiếp xúc với người khác, xe vận chuyển không dừng, đỗ dọc đường (các lực lượng làm nhiệm vụ không kiểm tra các xe này). Ngoài ra, trong vòng 14 ngày đầu đến Hải Dương, các trường hợp trên phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR ít nhất 2 lần (ngày đầu và ngày thứ 7).

Chủ doanh nghiệp và các cá nhân nói trên phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh do không chấp hành các yêu cầu phòng, chống dịch.

Các xe chuyên dùng (Bưu chính), xe công vụ được đi qua chốt A nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. Những trường hợp đặc biệt chưa được nêu rõ trong các văn bản của UBND tỉnh, giao Chốt trưởng, Ca trưởng của các Chốt quyết định việc cho phép qua chốt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và lưu thông, không để tắc nghẽn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn